Tác giả: Dough Tooke
Người dịch: Maria Hương Quỳnh
Nguồn bài viết: The Spiritual Questions of Gen Z
Nền tảng cho mục vụ giới trẻ cho thế hệ đầu tiên của thời hậu Kitô giáo
Trong suốt 15 năm qua, các chuyên gia về đào tạo đức tin Công giáo đã trăn trở tìm cách tốt nhất để chạm đến và giữ được “thế hệ thiên niên kỷ” - đây là tên gọi dành cho những ai sinh từ năm 1981 đến 1996. Đây là thế hệ được nghiên cứu nhiều nhất trong lịch sử nghiên cứu các thế hệ. Dữ liệu từ vô số các nguồn cho thấy nhiều người trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ (lên đến hơn 70%) rời Giáo hội Công giáo trong những năm đại học, và hầu hết đều không trở lại. Thứ tôn giáo đang phát triển vượt trội trong thế hệ này, mà thế hệ Z tiếp thu từ thế hệ thiên nhiên kỷ bằng nhiều cách là “tín ngưỡng chứ không phải tôn giáo.” Nhưng khi thế hệ thiên niên kỷ có tuổi, kết hôn và lập gia đình, họ không còn là đối tượng người trẻ duy nhất mà Giáo hội phải để tâm. Thế hệ Z đã bắt đầu xuất hiện, gồm những người sinh từ 1997 đến 2010. Thế hệ Z khác rất nhiều so với thế hệ thiên niên kỷ và mang đến những thách thức độc nhất cùng những cơ hội cho Giáo hội với niềm hy vọng rằng Giáo hội sẽ thu hút được sự chú ý từ họ.
Đối với nhiều người, chuyến viếng thăm của thánh Gioan Phaolô II đến Denver trong kỳ đại hội Giới trẻ thế giới năm 1993 và sự ra đời của các Ban mục vụ Giới trẻ Công giáo đã đánh dấu bước khởi đầu cho việc đào tạo đức tin cho thanh thiếu niên cách có chủ đích và độc đáo. Liệu cách tiếp cận cũ của chúng ta có phải là công thức đúng đắn cho tương lai thành công của mục vụ Giới trẻ không? Đó không phải là “Đường đến Emmaus” của thánh Luca như thường lệ. Thế hệ Z không chỉ đơn giản đến gặp gỡ Chúa Kitô và rồi có thể đi ngay đến phòng tiệc ly. Cần có một thái độ được canh tân đối với các tín hữu Công giáo trẻ.
Khi còn là một sinh viên chưa tốt nghiệp, tôi đã được giới thiệu về các tác phẩm của một nhà sử học Công giáo tên là Christopher Dawson.
Ông lập luận rằng lịch sử của Giáo hội Kitô giáo có thể được chia thành các phân đoạn gồm 300 đến 400 năm, và mỗi giai đoạn này đều bắt đầu - và sau đó kết thúc - trong khủng hoảng. Bối cảnh của mỗi cuộc khủng hoảng có nguồn gốc tương tự nhau. Nếu không phải là kẻ thù thì những thách thức mới, từ cả xã hội thế tục lẫn xã hội tôn giáo, công kích dữ dội. Mục đích và nỗ lực thánh thiêng mới đã mang lại sự đổi mới và phục hưng Giáo hội giữa lòng dân Thiên Chúa.
Dawson đã tính được sáu khoảng thời gian như vậy vào thời điểm ông viết các tác phẩm của mình, ngay sau Thế Chiến II.
Tôi tin rằng chúng ta đang sống ở điểm bắt đầu của một giai đoạn mới. Trong tác phẩm mới của mình, Meet Generation Z: Understanding and Reaching the New Post-Christian World (Tạm dịch: Gặp gỡ thế hệ Z: Hiểu và chạm đến tân thế giới hậu Kitô giáo), mục sư James Emery White gọi đây là “thời đại thứ 7.”
Gặp gỡ thế hệ Z tại môi trường của họ
Vậy thế hệ Z là ai? Tại sao họ lại quan trọng đến thế? Đây là thế hệ trẻ tuổi nhất và chiếm đại đa số trên hành tinh này, ước tính chiếm đến 32% dân số của năm 2019. Điều này có nghĩa rằng trong những năm sắp tới, thế hệ Z không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến nền văn hoá – mà họ sẽ trở thành văn hoá. Theo White, họ là thế hệ hậu Kitô giáo đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, nghĩa là họ thiếu một lượng ngữ vựng chung về đức tin. Nghiên cứu gần đây cho thấy, 39% những người thuộc độ tuổi từ 18 đến 29 đặt bản thân trong “những điều hư vô” hoặc không chịu ảnh hưởng từ tôn giáo trong bất kỳ vấn đề nào. (Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, thông tin cho thấy tới 61% dân số nước Mỹ không đến nhà thờ thường xuyên [Khảo sát Pew năm 2016]). White lí luận rằng thế hệ Z sẽ là lực lượng tôn giáo có ảnh hưởng mạnh nhất tại phương Tây và cũng là tâm điểm của những thách thức sứ vụ mà Kitô giáo phải đối mặt. Vì thế, họ là đối tượng cấp bách nhất để nghiên cứu. Giáo hội Công giáo cần lưu ý điều này.
Hai thế hệ của “những điều hư vô” đã dẫn đến cơn dịch đóng cửa các nhà thờ và sự tuyệt vọng về việc giảng dạy giáo lý.
Nhưng vẫn có hy vọng. Thế hệ thanh thiếu niên hiện nay có thể mang đến nhiều đóng góp cho tương lai của đức tin.
Thế hệ Z đặt ra ba câu hỏi thách thức đặc trưng
1. “Làm thế nào mà mối quan hệ của tôi với Chúa Giêsu ảnh hưởng tới mối quan hệ của tôi với những người tôi gặp gỡ?”
Đầu tiên, mỗi cá nhân thuộc thế hệ Z có khát khao mãnh liệt tạo ra những điều khác biệt và cũng dễ bị thu hút bởi những thứ giúp họ tạo nên những điều ấy. Một đức tin chỉ là chuyện gắn bó cách cá nhân mà không tỏ bày cho xã hội sẽ không thu hút được họ. Câu hỏi này mở ra một cánh cửa rộng lớn cho việc mục vụ giới trẻ có động lực là sự đồng hành lành mạnh. Mục vụ tương quan chính là chiến lược thiết yếu.
Việc đồng hành trong mục vụ đặt Đức Kitô ở trung tâm những mối quan hệ: hiện diện cùng người trẻ cả về mặt xã hội lẫn tinh thần, sống đời sống tâm linh tích cực, và dạy họ không chỉ thông cảm mà còn đồng cảm với nhau như những người bạn đích thực. Những hội đoàn truyền thống có thể sẽ phải giật mình trước một thế hệ tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên, việc tiếp tục đào tạo một thế hệ trẻ trong đức tin với những chiến lược cũ không phải là một lựa chọn tốt.
Việc tạo nên sự khác biệt là tư tưởng cấp tiến vốn đặt nền tảng nơi bản tính của Đức Kitô. Việc mặc khải nơi Đức Giêsu cũng như mặc khải nơi sứ điệp độc đáo và đi ngược lại nền văn hoá nhân loại chính là thứ ngôn ngữ chuẩn xác nhất, cần thiết để thu hút người trẻ bước vào một mối tương quan thâm sâu với Lời Chúa và Thánh Thể.
2. “Tại sao Giáo Hội lại quan tâm đến những mối quan hệ riêng của tôi?”
Thứ hai, nền luân lý truyền thống sẽ là một cuộc đối thoại cam go. Thế hệ này rất thoáng và dễ tiếp thu tư tưởng luân lý tương đối. Sự chấp thuận trong mối quan hệ hay việc khẳng định về lối sống có vẻ chỉ như nhau mà thôi. Tự do cá nhân rõ ràng là giá trị trọng yếu, nhưng vẫn có một khao khát chân lý một cách tự nhiên.
Các vấn đề từ đồng tính luyến ái đến các mối quan hệ ngoài hôn nhân, đã găm vào lòng người trẻ những câu hỏi gây nên mầm mống của sự chia rẽ. Đây là một vấn đề lớn, và đối với các thừa tác viên giới trẻ, đây là những điều nên tránh tranh luận. Nhưng ở nơi trọng tâm của những vấn đề luân lý phức tạp này lại chính là Đức Giêsu. Chân Lý thực sự là một con người ở giữa Hội thánh Công giáo, đó là Đức Giêsu Kitô.
Việc giáo dục về những vấn nạn ẩn tàng nhiều hiểm hoạ xảy ra trong quá trình con người đi sâu vào mối quan hệ với Thiên Chúa sẽ dẫn đưa họ đến chỗ sự thật được tỏ bày rõ ràng. Công việc mục vụ cho giới trẻ của chúng ta sẽ đơn thuần là đồng hành, hướng dẫn và nêu gương mẫu theo đuổi sự thật trong mọi vấn đề. Chúng ta cần phải đón nhận những câu hỏi khó này và rao giảng sự thật với tấm lòng của người mục tử.
3. “Tại sao tôi phải tin vào những điều không thể chứng minh?”
Thứ ba, thế hệ Z có sự ngưỡng mộ sâu sắc đến kinh ngạc và luôn khát khao muốn biết thêm về vũ trụ này. Hơn bao giờ hết, đây là thế hệ sẽ tiếp cận tâm linh thông qua vũ trụ học. Với nhiều người, điều này có vẻ như một sự đe doạ. Nhưng, đừng sợ, thay vào đó, hãy xem thực tế này như một cơ hội. Không còn là điều mới mẻ khi chất vấn đức tin trong thời đại khoa học này.
Chưa từng có thời đại nào đòi hỏi sự mô tả sáng tạo về sự hoà hợp giữa khoa học và tôn giáo. Đây là không gian để người Công giáo thực sự toả sáng. Việc minh họa bản chất vĩ đại của vũ trụ bằng ngôn ngữ đức tin của chúng ta chỉ là bước khởi đầu. Kinh ngạc và thán phục là tặng phẩm của Chúa Thánh Thần! Đấng Sáng Thế đã cai quản vũ trụ này hơn 15 tỷ năm ánh sáng và Người biết rất rõ chúng ta. Nếu ngôn ngữ của việc mục vụ giới trẻ cao cả này trở thành lời mời gọi đến tìm kiếm đáp án cho những câu hỏi phức tạp nhất, thì có lẽ chúng ta chỉ đang chứng kiến cuộc hoán cải với quy mô lớn của cả người trẻ và bố mẹ của họ!
Vạch ra đường hướng phát triển
Đáng tiếc rằng phần lớn các giáo xứ Công giáo vẫn chưa sẵn sàng kết nối với thế hệ này. Các giáo xứ thường tách rời thế giới công nghệ của thế hệ Z. Cụ thể hơn là họ đang tách khỏi chính nền văn hoá hiện nay theo một cách thức không thể giúp xây dựng các nhịp cầu chiến lược - về mặt tương quan, trí tuệ, thẩm mỹ - giúp kết nối với thế hệ Z. Vẫn còn tồn đọng nhiều điểm mù.
Cách người trẻ đặt câu hỏi về đức tin cũng đã thay đổi. Thay vì hỏi “Chúa Giêsu có thực sự trỗi dậy từ cõi chết không?” thì bây giờ họ hỏi rằng: “Vậy nếu thực sự Người đã chết và phục sinh, thì đã sao?” Thay vì “Thiên Chúa có hiện hữu không?”, câu hỏi bây giờ là “Tại sao Thiên Chúa lại để cho người ta bị giết chết hàng loạt như vậy?” Thay vì làm chứng về những cuộc đời được thay đổi nhờ Chúa Kitô, người trẻ đặt câu hỏi tại sao cuộc sống của người Công giáo hiện tại không thay đổi gì mà chỉ toàn rập theo chủ nghĩa phán xét, đạo đức giả và bất khoan dung.
Để đối mặt sự thay đổi này, chúng ta cần chuyển đổi: từ việc dựa vào các sự kiện sang thế hướng đến và tự tạo ra sự kiện. Xuyên suốt một vài thập kỷ qua, mục tiêu của việc mục vụ giới trẻ trên cả nước Mỹ là thu hút người trẻ đến với các buổi gặp gỡ quy tụ. Với các thực tế như hiện nay, cần phải có một sự lưu ý tươi mới đến tiến trình dẫn đưa mọi người đến với sự quy tụ ấy. Mục đích không đơn thuần là để có được một trải nghiệm quy Kitô. Đó là một hành trình trải dài trong cuộc đời làm môn đệ. Đức Giáo hoàng Phanxicô và nhiều nhà lãnh đạo trong lĩnh vực mục vụ giới trẻ Công giáo lúc nào cũng tin tưởng vào ngôn ngữ của sự “đồng hành” và “gặp gỡ”. Những ngôn từ này không đơn thuần đòi chúng ta biểu lộ đức tin cách công khai - chúng đòi một cuộc phúc âm hóa.
Cầu nối dẫn đến một phương pháp luận mới đang được xây dựng. Việc đòi hỏi môi trường mục vụ tương quan sẽ dẫn các thừa tác viên giới trẻ đến việc đào tạo người môn đệ cách thực sự và đổi mới. Các vấn đề như đau khổ, tính dục, sự vĩnh cửu, thuyết tương đối và vũ trụ học mở ra những cánh cửa kinh ngạc để ta hiểu đức tin cách sâu sắc hơn.
Đã qua rồi những ngày mà “nhóm trẻ” là phương thế duy nhất của việc chuẩn bị các môn đệ truyền giáo. Đây là lúc mục vụ Giới trẻ cần phải nỗ lực để tiến xa hơn những chương trình đơn giản chỉ tổ chức một tuần một lần để đi sâu hơn vào đức tin của từng cá nhân. Nhiều chiến lược có chủ đích tiếp cận và tập hợp các bạn teen sẽ thay thế các phương pháp tiếp cận “nhóm trẻ” xưa cũ.
Các hoạt động mục vụ quy tụ hoặc không quy tụ (xem thêm bên dưới), các nhóm tận hiến, việc lãnh nhận bí tích, và những người trưởng thành hoà nhã hướng lòng đến việc chia sẻ đức tin lành mạnh sẽ dẫn đến một lối đi mới cho việc làm chứng cho thế hệ này. Các giáo xứ thậm chí có thể nhận thấy bức tường ngăn cách giữa sự đào tạo “thanh niên” và “người lớn” đang biến mất khi mối quan tâm chung về các chủ đề sâu sắc hơn bắt đầu sinh ra các cuộc đối thoại trong cộng đồng Kitô giáo nhỏ.
Đây là khoảng thời gian đáng kinh ngạc mà chúng ta đang sống với tư cách là các giáo lý viên. Có lẽ thế hệ Z chính là điều mà Giáo hội tuyệt vời của chúng ta đang cần để thách thức tất cả chúng ta với tư cách là những người hành hương trên Đường đến Emmaus!
NHỮNG HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ KHÔNG QUY TỤ
Có nhiều cách thức để làm mục vụ cho người trẻ mà không gần phải quy tụ họ lại trong nhà thờ hay trong một sự kiện.
Dùng thư điện tử để thăm hỏi, học tập, đọc các bản tin và cầu nguyện;
Gửi bưu điện những tấm thiệp sinh nhật, thẻ lời nguyện hay số điện thoại khẩn cấp;
Tham dự, như một nhóm mục vụ giới trẻ, vào các hoạt động ngoài nhà thờ mà người trẻ ưa chuộng, như sự kiện thể thao, hoà nhạc hay biểu diễn sân khấu;
Có nhiều bạn trẻ quy tụ qua các thiết bị kỹ thuật số. Điển hình như tại giáo phận Helena, Montana của tôi, gần 50 người trẻ đã đăng các câu hỏi từ YouCat trên mục livestream của Facebook. Sau đó, họ tổ chức các cuộc trò chuyện mở về các câu trả lời mà họ tìm thấy trong Youcat, cũng như chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng của riêng họ. Không phòng ốc cho cuộc gặp mặt đó. Không cần chuẩn bị bầu khí. Đây đơn giản chỉ là những người trẻ muốn nhiều hơn và tìm những cách đơn giản để gắn kết một cộng đồng đức tin lành mạnh.
Để có thêm ý tưởng, hãy xem quyển “No Meeting Required: Strategies for Non-Gathered Ministry (Tạm dịch: Không cần gặp mặt: Chiến lược cho mục vụ không tụ họp) (Nhà xuất bản St. Mary).
Comments