top of page
Ảnh của tác giảAdmin Con Sâu

Chúng Ta Cùng Nhau Đến Xem Công Trình Của Chúa

Chu Quốc


Ngày 25/11/2021 vừa qua, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ tịch UBBAXH-Caritas Việt Nam, đã viết một bức thư giới thiệu chiến dịch “Chúng ta cùng nhau” (Together We) của tổ chức Caritas Quốc tế. Chiến dịch này sẽ diễn ra trong ba năm (2021-2024), với khẩu hiệu “Hành động hôm nay vì ngày mai tươi đẹp hơn” (Act today for a better tomorrow). Ngài viết:

“Sứ điệp chính của chiến dịch này là cùng nhau chăm sóc con người và chăm sóc thiên nhiên theo giáo huấn của Thông điệp Laudato Si’ và Fratelli Tutti”.

Như thế, người giáo lý viên trẻ chúng ta cũng được mời gọi góp sức mình vào sứ mạng chung này của Giáo hội. Hòa vào tâm tình đó, trong bài viết, trước hết chúng tôi sẽ giới thiệu một vị thánh trẻ, lúc sinh thời đã rất yêu mến việc hòa mình với thiên nhiên và xem đó là con đường nên thánh của mình; sau là thử đề xuất một hành động kép cho mỗi giáo lý viên chúng ta.


Verso l’Alto

“Verso l’Alto” là khẩu hiệu mà chân phước Pier Giorgio Frassati đã ghi lên ở góc một bức ảnh chụp ngài đang leo núi, vào ngày 07/6/1925. Khẩu hiệu này có nghĩa là “Vươn đến những tầm cao”. Bức ảnh này, cùng với khẩu hiệu “Verso l’Alto” trở nên nổi tiếng vì đó là bức cuối cùng chụp ngài leo núi, là tấm ảnh duy nhất có ghi lại khẩu hiệu ấy, trước khi ngài qua đời vào một tháng sau đó. Khẩu hiệu đó chưa từng là châm ngôn sống của ngài, nhưng lại chứa đựng vẻ đẹp cuộc đời trần thế của ngài. Ngài vốn thích “vươn đến những tầm cao”: không chỉ vươn lên tầm cao của những ngọn núi, mà còn vươn đến tầm cao của đời sống thánh thiện.

Trong bài giảng dịp lễ phong chân phước cho Pier Giorgio Frassati, Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Bí mật của sự thánh thiện và lòng nhiệt huyết tông đồ nơi anh ẩn chứa trong hành trình thiêng liêng và khổ hạnh của anh. Và hành trình thiêng liêng, hành trình vươn đến tầm cao của sự thánh thiện ấy, với anh Frassati, không thể thiếu tình yêu dành cho thế giới mà Thiên Chúa đã dựng nên. Anh leo núi là để được hòa mình với thiên nhiên; hòa mình với thiên nhiên là để anh có thể nhận biết Thiên Chúa:


“Tình yêu tôi dành cho các ngọn núi tăng lên mỗi ngày. Nếu có thể, tôi sẽ dành cả ngày ở trên các ngọn núi ấy, ngồi trong làn khí trong lành, để chiêm ngắm sự cao cả của Đấng Tạo Hóa”.

“Ta càng đi lên cao, ta càng nghe rõ hơn tiếng nói của Đức Kitô”.

Anh Pier Frassati là một chân phước sống rất gần với chúng ta. Với sức trẻ của mình, anh đã cống hiến hết mình vì Nước Trời. Anh không ngừng “vươn lên những tầm cao” của vũ trụ, của đời sống này, của hành trình nên thánh. Anh như đang mời gọi chúng ta, những giáo lý viên cũng trẻ như anh: Chúng ta hãy cùng nhau “đến mà xem công trình của Chúa” (Tv 66,5).


Một hành động kép để chúng ta cùng nhau vươn lên những tầm cao

Trong một dịp gặp gỡ với câu lạc bộ leo núi Alpine ở Ý, Đức Gioan Phaolô II đã mời gọi họ chiêm ngắm, tận hưởng cách sâu sắc hơn sứ điệp của công trình tạo dựng. Từ những gì mà họ chiêm ngắm, tâm hồn sẽ được nâng lên tới Chúa “trong hơi thở của lời cầu nguyện và lòng biết ơn Đấng Tạo Hóa”.

Hơi thở của lời cầu nguyệnlòng biết ơn Đấng Tạo Hóa chính là hành động kép mà chúng tôi muốn đề xuất với các bạn.

Ngày 22/9/2021, Caritas Đà Lạt đã tổ chức buổi cầu nguyện Lectio Divina chiêm ngưỡng công trình sáng tạo. Trong giờ cầu nguyện này, các tham dự viên đã dành nhiều thời gian để lắng nghe thông điệp mà Chúa gửi gắm nơi anh Không khí, chị Nước, mẹ Đất, v.v.. Hình thức cầu nguyện này có thể là một gợi ý cho người trẻ chúng ta.

Trong những chuyến du lịch, khi đứng trước một cảnh đẹp, trước hoặc sau khi lưu lại những bức ảnh đẹp để “sống ảo”, tại sao ta không dành ít phút “sống thực”: thinh lặng để nghe tiếng thiên nhiên, để cầu nguyện? Anh Pier Frassati trong mỗi chuyến leo núi vẫn mang theo bên mình một chuỗi hạt Mân Côi, và đang khi tận hưởng làn gió mát mẻ trong lành, anh đã lấy chuỗi hạt ra lần, để nói lời tạ ơn Thiên Chúa. Hoặc với lịch làm việc dày đặc, bạn có thể dành ra nửa ngày, hoặc một ngày để leo núi, để dạo biển, để vào rừng, để đến một nơi nào đó mà bạn có thể tận hưởng được tiếng nói của thiên nhiên.

Hình: Minhon Nguyen

Các dịp như thế luôn là lúc thuận tiện để bạn bày tỏ lòng biết ơn với Thiên Chúa. Tuy nhiên, thái độ biết ơn này tốt hơn hết nên được diễn tả bằng một lịch trình thường nhật, hơn là chỉ gói gọn trong các dịp đặc biệt.

Mùa Vọng nm 2020, Ban Biến đổi Khí hậu (thuộc Văn phòng Phát triển Con người – Liên Hội đồng Giám mục Á châu) từng giới thiệu Lịch Sinh Thái, trong đó, mỗi ngày, chúng ta sẽ làm một hành động nào đó để góp phần vào việc chăm sóc môi trường. Và mỗi hành động được đề xuất đều dựa theo các giáo huấn của Đức Phanxicô trong Thông điệp Laudato Si’. Chúng ta cũng có thể tự thiết kế cho mình một lịch sinh thái như thế.



Khi bạn đã áp dụng hành động kép này cách thành công cho bản thân, chúng tôi tin, bạn sẽ có thể đưa ý tưởng này vào các chương trình dạy và sinh hoạt giáo lý tại giáo xứ của mình. Và bây giờ đã đến lúc bạn làm gì đó rồi!

Để kết, chúng tôi xin trích lại đây lời của Đức Gioan Phaolô II trong dịp tuyên chân phước cho anh Pier Giorgio Frassati:

‘Đến mà xem công trình của Chúa’(Tv 66,5): đây cũng là một lời mời gọi chúng ta nhận được từ tâm hồn tươi trẻ của ngài và là lời mời gọi dành riêng cho những người trẻ. Hãy đến mà xem các công trình kì diệu của Thiên Chúa ở giữa loài người (x. Tv 66,1-5). Các công trình kì diệu ở giữa những người nam và những người nữ! Con mắt phàm nhân, con mắt mỏng giòn và non dại, chắc chắn có thể ngắm nhìn công trình của Thiên Chúa nơi thế giới bên ngoài và khả thị này. Còn con mắt của thần khí thì chắc chắn có thể trông thấy thế giới bên trong và vô hình thông qua thế giới bên ngoài và hữu hình kia. Do đó, đôi mắt ấy có thể biểu lộ cho người khác vương quốc của thần khí, nơi đó phản chiếu ánh sáng của Lời chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9). Chính Thần Khí sự thật hoạt động trong ánh sáng này.


50 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page