top of page

Chuyện Đọc-Hiểu Từ Ngữ Cổ Trong Các Kinh Nguyện

CHUYỆN ĐỌC – HIỂU TỪ NGỮ CỔ TRONG CÁC LỜI KINH NGUYỆN

Một suy nghĩ nhỏ từ một bạn trẻ

Ngọc Giám


Với mong muốn hội nhập văn hoá để rao giảng Tin Mừng, các vị thừa sai đã quan tâm đến ngôn ngữ, phong tục tập quán của người Việt Nam. Từ đó, đời sống đạo Công giáo mang màu sắc Việt Nam khi các ngài bắt tay vào việc chuyển dịch ngôn ngữ.

Ngôn ngữ của mỗi thời là khác nhau. Từ thế kỉ XVII đến nay là thế kỉ XXI, tức là đã trên dưới 400 năm, ngôn ngữ, cách thức dùng từ chắc chắn đã có nhiều sự biến đổi. Đọc lại bản gốc cuốn “Phép giảng tám ngày” của cha Đắc Lộ, người ta nhận thấy dấu ấn của tiếng Việt cổ, đó là các âm mlời, blời, v.v.. Cho đến nay, tiếng Việt đã có nhiều sự thay đổi. Mặc dù kinh sách được viết ra để cho giáo dân đọc được, nhưng sự cách biệt về thời gian vẫn là một điều khó khăn. Người Việt hiện đại sẽ thấy nhiều từ ngữ trong các lời kinh thật khó hiểu. Tuy nhiên, khó hiểu không có nghĩa là không thể hiểu được.


Một vài ghi nhận từ thực tế

Trong thực tế, mỗi khi gặp phải một vấn đề khó hiểu, đương nhiên việc đầu tiên là cần đi tìm hiểu để nhận được lời giải đáp cho tương xứng. Việc đọc, giải nghĩa và hiểu các từ ngữ khó hiểu trong kinh nguyện thuộc lĩnh vực nghiên cứu chính của ngành ngôn ngữ học, hẹp hơn là ngôn ngữ được dùng trong Công giáo. Đương nhiên, không thể thiếu sự phối hợp của lịch sử và địa lí. Nói như thế để khẳng định rằng, hiểu một từ ngữ cổ không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên, những ý kiến trên mạng xã hội (không rõ ở ngoài cuộc sống có ai nghĩ như vậy không) đa số đều cho rằng những từ ngữ, những lời kinh mà người ta không hiểu được đều vô nghĩa và nhảm nhí. Đây là một nhận định hết sức vội vã, sai lầm và có hại cho sự phong phú của văn hoá Công giáo.

Trong dạy học, có một phương pháp gọi là “nêu vấn đề”. Đây là phương pháp hiệu quả để kích thích sự tò mò của trí óc. Nhờ đó, người học có động lực tìm hiểu và khi đã được giải quyết trọn vẹn, vấn đề ấy sẽ khắc sâu hơn trong tâm trí người học.

Vấn đề những từ ngữ trúc trắc, khó hiểu trong các bài kinh nguyện là một cơ hội quý giá để tìm hiểu lại giáo lí, Thánh Kinh, các giáo huấn chính thức của Hội Thánh về vấn đề đó, thậm chí là lịch sử của Hội Thánh Việt Nam – vì sao người xưa viết những điều ấy. Rất tiếc, thay vì tìm hiểu, thì nhiều người đã vội vã lên án.

Từ việc lên án, nhiều người chuyển sang vứt bỏ. Thay vì ra công tìm hiểu để giải thích những điều còn khúc mắc, những người nêu ý kiến đề nghị sửa đổi, thay thế, hoặc bỏ bớt đi những điều mà họ cho là nhảm nhí, sai lầm. Nếu những đề nghị này được đáp ứng và trở thành tiền lệ, thì sẽ có những hệ quả khác kéo theo. Đó là, người ta thích Hội Thánh thay đổi theo ý mình, mà bản thân mình thì không cố gắng hiểu xem điều đó nghĩa là gì.

Các kinh nguyện là những bài giáo lí rút gọn, là những lời cầu nguyện gắn với đời sống của người tín hữu. Bao nhiêu thế hệ đã đọc, nếu đọc những kinh ấy mà mất đức tin, thì hiện nay làm sao còn Hội Thánh Việt Nam. Mãi cho đến sau Công đồng Vatican II thì Thánh Kinh mới có bản dịch bằng tiếng Việt. Trước đó đức tin được nuôi sống bằng những lời kinh như thế. Cho nên để đánh giá các kinh nguyện – vốn là một vấn đề có ảnh hưởng đến đời sống đức tin của người Việt Nam, nhất là những người không có điều kiện để học hỏi giáo lí và Thánh Kinh một cách đầy đủ, thì nên thận trọng.


Một số đề nghị về giải pháp

Giải thích từ ngữ

Như đã trình bày phía trên, các từ ngữ, cách viết câu nào khó hiểu vì lí do thuộc về văn hoá – lịch sử thì cần được giải thích. Đương nhiên, người giải thích phải là một người có chuyên môn. Đây là một cơ hội quý báu để ôn lại giáo lí và hiểu hơn về lời kinh mà mình đang học. Từ điển Việt - Bồ - La của cha Đắc Lộ, Hán Việt tự điển (Thiều Chửu), Đại từ điển Chữ Nôm (Vũ Văn Kính) là những tài liệu tham khảo đáng tin cậy để tra cứu và giải nghĩa.


Điều chỉnh thích hợp

Theo thiển ý của người viết, những trường hợp dưới đây nên được điều chỉnh:

  • Lời kinh, từ ngữ có thể gây hiểu lầm vì thiếu ngữ cảnh cần thiết. Đọc một câu mà có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì nên được viết lại hoặc viết thêm vào cho phù hợp.

  • Lời kinh, từ ngữ sai với tín lí.

Tại sao lại là điều chỉnh “một cách thích hợp”? Bởi vì nếu cái gì cũng chỉnh, sửa, đổi, thay, thì sẽ không bao giờ có được một đáp án cuối cùng. Tiêu chuẩn để thay đổi hay chỉnh sửa là theo kho tàng đức tin của Hội Thánh. Nếu không sai với những chân lí được mặc khải, thì không cần phải sửa đổi.




***


Thời gian trôi đi có thể làm cho nhiều thứ thay đổi, ngôn ngữ cũng vậy. Tuy nhiên, “Thiên Chúa làm cho mọi sự sinh ích lợi cho những ai yêu mến Ngài”, chúng ta cũng hãy biến những khó khăn mà ta gặp phải trong quá trình sống đạo trở thành một cơ hội để hiểu biết về chính Chúa và Mẹ Hội Thánh hơn.

Xin các thánh Tiến sĩ, vốn là những vị cực kì uyên bác trong Hội Thánh, chuyển cầu giúp chúng con – là những người đã được chuộc bằng máu Chúa Kitô, luôn trung thành với Hội Thánh, để qua Hội Thánh, chúng con tìm được chân lí đích thực là chính Ba Ngôi Thiên Chúa.

88 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Commentaires


Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page