Trong nền văn hóa hiện đại, từ “Tình Yêu” nhiều lúc đã bị dùng sai, và do đó, bị hiểu sai. Để hiểu đúng ý nghĩa từ này, ta cần căn cứ vào giáo huấn của Kinh Thánh.
Phần dưới đây được phỏng dịch từ bài viết The Four Loves and Our Ascent to God, được đăng trên tạp chí Catholic Exchange (truy cập ngày 13/02/2022).
Mạnh T. Nam
***
Người Hy Lạp có bốn từ để mô tả tình yêu: eros, storgos, philia, và agape. Eros mô tả một tình yêu của các lôi cuốn xác thịt và ham muốn nhục dục. Storgos là lòng yêu mến tự nhiên mà người ta dành cho bố mẹ, dân tộc, hay quốc gia của mình. Philia là tình yêu bằng hữu. Agape còn vượt xa hơn tình yêu nào và là loại tình yêu tối cao. Đây chính là tình yêu ta dành cho Thiên Chúa, con cái và người vô gia cư.
Eros và Storgos thuộc về bản tính con người. Cách nào đó, chúng không được chọn, nghĩa là ta không chủ động chọn cha mẹ, chọn kiểu người có liên hệ với ta, và chọn quê quán của mình. Philia, mặt khác, lại mang tính ý chí và tâm linh nhiều hơn. Tình yêu này dẫn đến Agape; Agape trong Kinh Thánh được định nghĩa là tình yêu tự hiến. Nếu Philia là tình yêu giữa bạn bè, thì Agape là tình yêu đối với kẻ thù.
Bốn tình yêu này là chương trình cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, là chiếc thang đưa ta lên với Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu.
Eros
Chiếc thang này trước hết bắt đầu với eros, tình yêu của những ham muốn thể xác. Người ta thường nghĩ eros đơn giản chỉ là cách diễn đạt khác về nhục dục, nhưng thực ra eros còn hơn thế. Đối với người Hy Lạp cổ đại, Eros là một vị thần (người La Mã gọi là Cupid), tượng trưng cho đam mê bất trị, sinh ra giữa hai người yêu nhau. Hình ảnh một chàng trai trẻ hay một đứa bé của Eros tượng trưng cho một tình yêu không tự nguyện, không được mong đợi và thường gây tổn thương.
Tân Ước không nhắc đến tình yêu Eros, do đó có thể hiểu chiếc thang dẫn lên Thiên Chúa đòi hỏi phải bỏ lại Eros ở phía sau. Nhưng, người Công giáo nào cũng biết, thân xác vốn tốt và thánh thiêng, do đó, đối với chúng ta, việc để lại eros phía sau thế kia xem chừng như không hợp lý. Đức Benedict XVI đã giải thích rõ điều này trong Deus Caritas Est (số 5). Eros phải được nâng lên và phải được thanh tẩy:
Eros bị hạ giá xuống thành tình dục, trở thành hàng hoá, thành "vật phẩm”; người ta có thể mua hay bán nó, thật vậy, chính con người cũng trở thành hàng hoá. Trong thực tế, điều này không phải là tiếng nói đồng ý cao cả của con người đối với thân xác mình. […] Ngược lại, niềm tin Kitô giáo luôn nhìn con người như là một hữu thể gồm cả hồn lẫn xác, nơi họ, tinh thần và vật chất nối kết chặt chẽ với nhau và cả hai cảm nghiệm được sự cao quý mới. Vâng eros muốn đưa chúng ta đến bầu khí thần linh, vượt lên khỏi chúng ta, vì thế nó đòi buộc một con đường vươn lên, từ bỏ, thanh luyện và chữa trị.
Quả thật, đối với các Kitô hữu, thay vì loại bỏ eros, chính đời sống có Đức Kitô sẽ thanh tẩy nó và hướng nó đến Thiên Chúa.
Storgos
Sau bậc thang Eros, ta đến bậc thang Storgos. Tình yêu này cũng ít khi xuất hiện trong Tân Ước. Đây là tình yêu tự nhiên dành cho chồng, vợ, con cái hay thậm chí là thú nuôi. Đó là một cảm giác thầm kín và vững bền dành cho đối tượng khiến con người thấy thoải mái. Giống Eros, Storgos sinh ra từ ao ước tự nhiên của chúng ta về sự thân thiết với người khác, nhưng nó ít mang tính nhục dục, ít mãnh liệt hơn, và đối tượng mở rộng hơn.
Kitô giáo mời gọi chúng ta thay thế những mối dây tự nhiên này bằng những mối dây siêu nhiên, thay tình yêu hạ giới bằng tình yêu thượng giới. Gia đình thiêng liêng của chúng ta bao gồm anh chị em trong Đức Kitô. Chính Chúa là Cha trên trời của chúng ta. Người mẹ thiêng liêng là Đức Maria. Và ta là công dân Nước Thiên Chúa.
Philia
Nếu Eros là tình yêu xác thể, thì Philia là tình yêu linh hồn. Philia thường nói về tình bằng hữu thân thiết. Tân Ước cũng nhắc nhiều đến tình yêu này. Chẳng hạn như trong Tin mừng Gioan (16,27), Đức Giêsu nói: “Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.”
Agape
Có một loại tình yêu cao cả hơn mà chúng ta được mời gọi hướng tới – đó chính là tình yêu Agape. Nếu Eros ham muốn để sở hữu, thì Agape lại mãnh liệt ao ước điều thiện cho người khác đến độ sẵn sàng hy sinh chính mình.
Trong cuộc trò chuyện với Phêrô sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã cho biết rõ, ta cần chuyển từ Philia sang Agape: “Anh có yêu mến thầy hơn các anh em khác không?” – “Hãy chăm sóc chiên con của thầy” (Ga 21,15-17).
Tình yêu Agape còn được các tác giả Tân Ước nhắc nhiều, chẳng hạn như 1Pr 1,8; 1Cr 13; 1Ga 4,8.
Chúng ta được mời gọi hướng lên tình yêu Agape của Thiên Chúa. Nhưng ta cần nhớ, điều này duy khả thi là vì Thiên Chúa đã xuống với chúng ta trước và đã thể hiện tình yêu ấy cho chúng ta. Đây là cách mà Tin mừng Gioan giới thiệu tình yêu Agape cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Commentaires