Nhà văn Vinh Kiu
Bài viết được đăng lại với sự đồng ý của tác giả, và được Trong Bụng Cá Voi biên tập lại
Kinh nguyện vốn được xem là “đạo đức bình dân” và truyền từ hàng bao năm qua các thế hệ, vì chúng dễ đọc và dễ hiểu hơn Kinh Thánh. Hơn nữa, Kinh Thánh thường được chia sẻ trong các Thánh Lễ nên trong hai ngàn năm nay, có hàng tỷ người cả đời chưa từng cầm lấy cuốn Kinh Thánh mà vẫn giữ đạo trọn lành. Nhưng ngày nay việc in ấn và mua một quyển Kinh Thánh trở nên đơn giản hơn nhiều, giáo dân cũng được học hành nhiều hơn, thậm chí có cả lớp Thần học giáo dân” hay các lớp hướng dẫn chú giải Kinh Thánh; vậy thì Kinh nguyện có còn quan trọng nữa không?
Một số giáo dân trẻ có đôi chút kiến thức về Kinh Thánh có tư tưởng “chê” Kinh nguyện thường dựa vào những lý lẽ như sau:
Kinh nguyện chẳng qua lấy ra từ Kinh Thánh, mà đôi lúc để cho dễ đọc, suôn vần thành ra dịch sai nghĩa hoặc dùng những từ cổ chẳng thể hiểu được. Tin mà không hiểu thì hóa ra mê tín sao?
Đọc kinh ê a và buồn ngủ chứ chẳng đọng lại được gì. Nên đọc Kinh Thánh và suy ngẫm thì hơn. Đọc Kinh nguyện chỉ mất thời gian mà chẳng ơn ích gì.
Lời Kinh nguyện thường toàn là “xin xỏ” Chúa cho được cái này cái kia. Vậy thì theo Chúa chẳng qua để xin xỏ lợi ích cho mình mà thôi, chứ chẳng yêu gì Chúa.
Nghe qua cũng có lý đó! Tuy nhiên:
Kinh nguyện chẳng qua lấy ra từ Kinh Thánh. Đúng thế, nhưng thường được phiên cho dễ nhớ, dễ hiểu hơn chứ không hề khó hiểu. Ví dụ như 20 sự ngắm của Kinh Mân Côi được xem là “bản Tân Ước tóm tắt”. Không phải ai cũng có thể đọc hết Tân Ước và nhớ được hết, nhưng 20 sự kiện chính trong 5 sự Vui, Sáng, Thương, Mừng ấy đã tóm lược hộ chúng ta những sự kiện chính trong mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc của Chúa Giêsu, mà đó chính là nấc thang về Quê Trời. Hoặc là Kinh Ban Sáng cho chúng ta nhớ đến Chúa khi khởi đầu ngày mới. Kinh Ban Tối giúp chúng ta biết tạ ơn Chúa sau một ngày được Chúa thương ban nhiều hồng ân. Kinh Ngày Chúa nhật giúp chúng ta nhớ lại các giới răn, lời khuyên cũng như trợ giúp việc xét mình xưng tội, hòa giải với Thiên Chúa. Các kinh cầu như là các bài cầu nguyện nguyên mẫu giúp chúng ta biết dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, hay là hiệp thông với Đức Mẹ và các thánh dâng lời ca tụng Thiên Chúa. Mỗi Giáo phận có thêm hệ thống các kinh riêng phù hợp với văn hóa phong tục của Giáo phận đó nữa. Tất cả lời Kinh nguyện đều bình dân nên rất dễ hiểu, chí ít cũng dễ hiểu hơn Kinh Thánh nhiều, chưa kể việc chú giải Kinh Thánh không hề đơn giản, lơ mơ là sai lạc liền, rồi có khi chạy theo lạc giáo, tà giáo không chừng. Nếu bạn muốn giải thích Kinh Thánh, bạn phải tra cứu rất nhiều; vậy vì sao một vài từ cổ hay một số câu Kinh nguyện “khó hiểu” lại không thể tra cứu hoặc hỏi nhờ các đấng giải thích được?
"Lời Chúa, Phụng vụ của Hội thánh, các nhân đức Tin Cậy Mến là những nguồn mạch của việc cầu nguyện" (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2662).
Đọc kinh ê a và buồn ngủ? Vấn đề là thói quen học thuộc mà không cần hiểu nghĩa làm cho chúng ta cứ thấy đều đều và dễ ngủ gật! Nhưng nếu bạn đọc Kinh nguyện cũng như Kinh Thánh, cố gắng theo nghĩa của câu Kinh, đọc một cách chậm rãi, thì hẳn là sẽ không ngủ nổi đâu. Vì thế việc đọc Kinh nguyện cho có ơn ích không phải là dễ, đừng quá chú trọng vào số lượng, nhưng hãy đầu tư vào chất lượng, bạn sẽ thấy ơn ích của đọc Kinh nguyện không hề thua kém việc đọc Kinh Thánh đâu, chưa kể còn dễ “ngấm” hơn. Nếu bạn thấy nhàm chán và lặp lại thì bạn hãy tìm hiểu và tập đọc những Kinh nguyện mới, những Kinh nguyện của Giáo phận khác, hẳn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời đấy! Hoặc là bạn đọc kinh Mân Côi theo lối suy ngẫm từng sự ngắm, thì thiết nghĩ bạn có đọc cả đời cũng chưa suy ngắm hết!
Lời Kinh nguyện thường toàn là “xin xỏ” Chúa cho được cái này cái kia? Chúng ta là con cái Cha Nhân Từ. Con mà không xin Cha thì xin ai? Thêm nữa những lời “xin” trong Kinh nguyện không hề “xin xỏ” tí nào, toàn xin những điều tốt thôi. Nguyên mẫu lời cầu nguyện là kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu truyền chẳng phải nửa đầu là tôn vinh Thiên Chúa, nửa sau là cầu xin đó sao: xin cho được lương thực, xin cho biết tha thứ, xin cho vượt tránh cám dỗ, xin cho khỏi sự dữ, v.v.. Các Kinh nguyện đều theo nguyên mẫu ấy: Nửa đầu tôn vinh, nửa sau xin Chúa cho cái này cái kia để trở nên nhân lành, giữ Đạo cho tốt. Nếu bạn đọc kỹ 20 sự ngắm Mân Côi, bạn sẽ thấy những điều xin ấy đều gắn với sự ngắm đó, ví dụ: “Thứ ba thì ngắm, Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng khó khăn”, bạn sẽ thấy mối liên hệ với mối phúc thứ nhất “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3) và cũng đã được phiên thành kinh Phúc thật tám mối (“Thứ nhất ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật…”). Bạn hình dung ra cảnh Chúa Hài Đồng được sinh ra trong đêm đông lạnh lẽo ở Bêlem và bị truy sát sau đó và những sự kiện liên quan thì chắc chưa suy niệm xong đã hết 10 kinh Kính Mừng rồi, và các lần sau bạn lại suy niệm tiếp thì đâu có sợ bị lặp, và bạn sẽ thấy vì sao bạn lại “xin cho được lòng khó khăn”, để bạn vượt khó mà giữ Đạo, vì hẳn là trong suốt cuộc đời bạn sẽ gặp nhưng gian truân như Thánh Gia đã từng. Nếu bạn lần Chuỗi Thương Xót, bạn sẽ cảm nghiệm được điều tương tự, cho dù lời Kinh, lời ngắm có lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu làm được như vậy là bạn đã yêu Chúa rồi, yêu để mà theo chứ không phải yêu để mà xin!
Như vậy Kinh nguyện mãi mãi có vị trí quan trọng trong đời sống Công giáo, thậm chí với việc đọc, suy ngẫm và hiểu Kinh nguyện tốt hơn thì việc đạo đức bình dân này được nâng lên tầm cao mới và chẳng lo lạc đường khi đọc nhiều Kinh nguyện cả.
Nguyện chúc mọi người chăm đọc Kinh nguyện hơn, nhưng ở thời đại 4.0, hãy cố gắng đọc với tinh thần hiểu biết, suy niệm, chiêm ngắm hơn, thì bạn sẽ nhận được nhiều ơn ích hơn và… không bị buồn ngủ, mà dù ngủ ngoan trong vòng tay Chúa Mẹ và các thánh thì cũng rất tuyệt vời!
"Việc cầu nguyện không chỉ là sự bộc phát do một thúc đẩy nội tâm: để cầu nguyện, phải muốn cầu nguyện. Nếu chỉ biết Thánh Kinh mặc khải những gì về cầu nguyện thì chưa đủ: còn phải học cầu nguyện nữa. Thật vậy, Chúa Thánh Thần, nhờ sự lưu truyền sống động (Thánh Truyền) dạy con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện trong Hội Thánh đang tin và đang cầu nguyện" (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2650).
Comments