top of page

Ngôn sứ Giô-na: Một cảm hứng cho giáo lý viên

Đã cập nhật: 13 thg 2, 2022

Ban Biên tập trongbungcavoi.com





Mọi Ki-tô hữu khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy đều được mời gọi loan báo Tin Mừng của Đức Giê-su. Giáo lý viên (GLV) là người thi hành sứ mạng ấy một cách đặc biệt. Chúng tôi, các thành viên vận hành dự án “Trong bụng cá voi,” cũng là những giáo lý viên phục vụ Giáo hội, khi thi hành sứ mạng đặc biệt này, đã được gợi hứng rất nhiều từ ngôn sứ Giô-na.

Bài viết này sẽ cho thấy ngôn sứ Giô-na đã gợi hứng cho chúng tôi thế nào, đồng thời giới thiệu ngài như là một nguồn cảm hứng cho những giáo lý viên trẻ ngày hôm nay.

1. Ngôn sứ bướng bỉnh

Ngôn sứ Giô-na nổi danh là một vị ngôn sứ bướng bỉnh. Khi nhận được lời sai đi của Thiên Chúa, ông đã lẳng lặng bỏ trốn, “tránh nhan Đức Chúa” (Gn 1,3). Trên con tàu đi Tác-sít, ông đã “xuống hầm tàu, nằm đó và ngủ say” (Gn 1,4), như thể cơn bão đang hoành hành kia chẳng liên hệ gì đến ông. Sau này, khi đã đến thành Ni-ni-vê, ông chỉ công bố một cách cụt lủn: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ” (Gn 3,4). Sau này, ngôn sứ Giô-na mới cho biết lý do vì sao ông lại có thái độ như thế: “Đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa” (Gn 4,2). Theo lời này, Giô-na biết rõ và tin Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót; nhưng đức tin đó của ông lại khép kín. Kiểu bướng bỉnh của Giô-na không chỉ dừng lại ở việc đón nhận và thi hành sứ mạng cách hời hợt, mà còn thể hiện trong cách lý luận của ông. Ông biết trước sau gì Chúa cũng can thiệp; đó là chuyện giữa Chúa và thành Ni-ni-vê, và ông vô can trong chuyện này. Kiểu lý luận này sẽ cổ xúy cho thái độ đứng ngoài, làm cho xong việc, mà không có chút tâm sức nào.

Bức họa "Prophet Jonah" của Michelangelo tại nhà nguyện Sistine

Thái độ bướng bỉnh của Giô-na như nhắc nhở chính chúng tôi, và có thể là bạn nữa, luôn phải trau giồi cái sức cái tâm mỗi khi lên lớp dạy giáo lý. Khoa sư phạm giáo lý là phương tiện thích hợp, có thể hỗ trợ người GLV trẻ đầu tư tâm sức vào giờ dạy của mình. Khoa sư phạm này vừa giúp người GLV trẻ thu nhận và ứng dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, để giờ dạy giáo lý luôn sinh động, như sứ điệp đức tin bao giờ cũng sống động, chứ không nhàm chán và buồn tẻ, khiến các em thiếu nhi phải ngủ gật trong giờ học; vừa giúp người GLV nắm bắt được tâm lý của các em thiếu nhi theo từng độ tuổi, để sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp.

Nếu người GLV trẻ không thực sự đầu tư chuyện này, chúng ta sẽ trở thành một Giô-na bướng bỉnh và hời hợt khác. Mỗi khi lên lớp, ta chỉ trình cho các em các nội dung cần học thuộc để khảo bài, chứ không phải là truyền đạt đức tin cho các em – giống Giô-na trước đây chỉ hậm hực công bố sứ điệp của Chúa, mà không quan tâm truyền loan lòng thương xót của Người.

2. Trong bụng cá voi

Sách ngôn sứ Giô-na được chia thành hai phần: phần đầu là khi Giô-na được kêu gọi lần đầu nhưng ông lại bỏ trốn; phần hai là khi Giô-na được kêu gọi lần hai và ông đã đón nhận sứ mạng. Đoạn cầu nối giữa hai phần này chính là biến cố ngôn sứ Giô-na bị quăng xuống biển và Thiên Chúa đã sai một con cá lớn đến nuốt ông (x. Gn 2). Ông đã ở trong bụng cá ba đêm ngày. Đây là thời gian để Giô-na chuẩn bị trước khi ông chính thức đi đến Ni-ni-vê. Trong ba đêm ngày này, ông đã ở lại với chính ông, đã đi sâu vào lòng mình và đã cất lên lời cầu nguyện tha thiết. Với chúng tôi, đây là những lời đẹp nhất trong sách Giô-na. Cách nào đó, sự kiện ở trong bụng cá ba đêm ngày là một biểu tượng nói đến việc các GLV cần đào sâu đời sống tâm linh của mình, trước khi thi hành sứ mạng Chúa trao phó.


Bức họa "Jonah and the Whale" của Pieter Lastman

Việc đào sâu đời sống tâm linh này được diễn tả trong ba phương diện này:

1/ Người GLV, khi được nhận lãnh trách nhiệm giảng dạy giáo lý, cần hiểu: sứ mạng này chính là con đường nên thánh của mình. Tuy nhiên, ta không bước đi một mình, nhưng bước đi trong Hội thánh và với người khác. Do đó, Linh đạo GLV sẽ giúp ta vừa học hiểu sứ mạng của mình, vừa cùng với Hội thánh đi trên nẻo đường thánh thiện.

2/ Để có thể chia sẻ tri thức đức tin cho các em thiếu nhi, người GLV cần phải được đào tạo cách cẩn thận các tri thức thần học thiết yếu. Các tri thức thần học này vừa giúp hun đúc đời sống đức tin của chính GLV, vừa giúp GLV hiểu rõ Đấng và sứ điệp mà mình sẽ loan giảng.

3/ Các tri thức như thế vẫn chưa đủ. Để nói với các em thiếu nhi về Chúa, người GLV cần phải liên lỉ nói với Chúa về chính mình, về sứ mạng của mình, về các em thiếu nhi, v.v.. Cầu nguyện chính là giây phút người GLV được ở lại một mình với Chúa, để nói chuyện với Chúa và để Chúa nói chuyện với mình. Đời sống tâm linh có thực sự triển nở hay không phụ thuộc chủ yếu vào đời sống cầu nguyện này.

3. Dưới tán cây thầu dầu và Vết cắn của sâu

Sau khi loan báo sứ điệp của Chúa cho dân thành Ni-ni-vê, ngôn sứ Giô-na đã “ra ngoài thành và ngồi ở phía đông thành” (Gn 4,4). Trong Kinh Thánh, con người trông đợi ơn cứu độ đến từ phía đông (x. Is 41,2 ; Ed 47,1); nhưng Giô-na ngồi ở phía đông, “để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành” (Gn 4,5), chờ xem Thiên Chúa sẽ phạt thành thế nào. Ban đầu, ông bỏ trốn sang phía tây, mà ơn cứu độ xuất hiện ở phía đông; giờ đây ông lại ngồi ở phía đông, không phải để chờ ơn cứu độ mà chờ sự giáng phạt. Dù chạy trốn Thiên Chúa hay đã loan báo sứ điệp của Người, Giô-na vẫn sống trong con người cũ của mình.


Bức họa "Jonah and the Gourd Vine" - Nguồn: theschoolofthetransferofenergy.com

Đứng trước thái độ này, Thiên Chúa tỏ ra rất kiên nhẫn. Người cho mọc lên ở chỗ ông ngồi một cây thầu dầu “để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực” (Gn 4,6), như đang xoa dịu vị ngôn sứ bướng bỉnh này. Nhưng hôm sau, Thiên Chúa đã làm cho một con sâu đến hại chết cái cây ấy và cho gió nóng thổi đến. Giô-na đã nổi giận. Từ sự nổi giận ấy, Thiên Chúa đã dạy ông thấu tỏ lòng thương xót của Người.

Hóa ra, những gì Giô-na biết trước giờ về Thiên Chúa đều sai cả, và dường như có một cuộc khủng hoảng đức tin đã diễn ra nơi Giô-na. Điều ông biết về Thiên Chúa và điều Thiên Chúa thực sự muốn ông biết về Người hoàn toàn trái nghịch nhau.Bất kỳ người môn đệ nào rồi cũng phải trải qua đêm tối của đức tin. Đêm tối đó đặt người môn đệ ở vào thế phải xem xét lại mọi điều trước giờ vẫn xác tín. Ta hẳn sẽ buồn bực và nổi giận như Giô-na vậy. Nhưng trong đêm tối ấy, Thiên Chúa sẽ có cách xoa dịu ta và mở cho ta thấy ý định thật sự của Người. Người GLV trẻ hôm nay được mời gọi đối mặt với con sâu đang đục khoét Giáo hộ và đục khoét tâm hồn mình. Khi đối mặt với con sâu ấy, với cuộc khủng hoảng ấy, người GLV trẻ cần để cho Thiên Chúa ra tay. Đây hẳn là những cảm nghiệm thiêng liêng quý báu mà từ đó, người GLV trẻ nên trưởng thành hơn.


4. “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê” (Gn 1,2; 3,2)

Đa phần các ngôn sứ trong Cựu Ước đều được sai đến với dân Thiên Chúa để kêu gọi họ ăn năn, sám hối. Ngôn sứ Giô-na lại được Thiên Chúa truyền: “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê” (Gn 1,2; 3,2). Ni-ni-vê là một thành dân ngoại, đầy rẫy sự gian ác (x. Gn 1,2). Thành này còn là kẻ thù truyền kiếp của dân Ít-ra-en. Bối cảnh rao giảng thông điệp của Thiên Chúa trong trường hợp ngôn sứ Giô-na thật đặc biệt. Cách nào đó bối cảnh này tượng trưng cho bối cảnh một xã hội vô thần và ngày càng tục hóa mà người GLV trẻ được mời gọi dấn thân vào. Thiên Chúa muốn Giô-na, và cả các GLV trẻ, thoát ra khỏi vùng an toàn của mình, thoát ra khỏi những định kiến của mình, để đến với dân tội lỗi kia.

Tuy nhiên, đối tượng thật sự cần hoán cải, theo chúng tôi, không phải là dân thành Ni-ni-vê (và dân thành đã rất thật tâm hối cải khi nhận được lời loan giảng của Giô-na), nhưng chính là ngôn sứ Giô-na. Bốn chương trong sách Giô-na đều xoay quanh hành trình tâm linh của chính ngôn sứ và việc Thiên Chúa đã huấn luyện ông thế nào. Đây là lời nhắc nhở cho mỗi một GLV trẻ ngày hôm nay. Bản thân chúng ta cần hoán cải trước, cần để Thiên Chúa biến đổi trước. Người GLV trẻ cần năng đến với bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa giải. Đến với bí tích Thánh Thể để cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa; đến với bí tích Hòa giải để tình yêu ấy biến đổi con người mình. Khi ấy, việc giảng dạy giáo lý và đời sống chứng tá của chúng ta mới có thể gặt hái được kết quả như Chúa muốn.





337 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page