top of page

Tầm quan trọng của việc cầu nguyện

Giu-se Phạm Thái Dương

Giáo lý viên tại Giáo xứ Mân Côi, Gò Vấp, Tgp. Sài Gòn


Bỏ qua phần dẫn nhập, và không kể phần tóm kết, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu đề tài “Tầm quan trọng của việc cầu nguyện” qua ba mục chính, đó là : I/. Cầu nguyện là gì ? ; II/. Chúa Giê-su, mẫu gương cầu nguyện ; và III/. Tại sao cầu nguyện ?

Trong mục đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về bản chất của việc cầu nguyện khởi đi từ việc suy xét về bản chất của từ ngữ cầu nguyện, để dẫn vào giáo lý của Hội Thánh Công Giáo về việc cầu nguyện.

Kế đến, trong mục tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau quan sát một mẫu gương cầu nguyện rất gần gũi với chúng ta, được gặp thấy trong Tân Ước, là Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã cầu nguyện như thế nào, khung cảnh cầu nguyện yêu thích của Ngài là gì, v.v

Sau đó, trong mục ba, chúng ta sẽ thử đưa ra một vài luận điểm cho thấy cầu nguyện vừa là một công việc thiết yếu (necessary), vừa là một hành vi thực sự cao quý (truly noble act) của con người (human being), dựa trên nền tảng giáo lý Thánh Kinh về bản chất của con người (human nature).


I/. Cầu nguyện là gì ?

a/. Từ ngữ

Trong tiếng Hán Việt, cầu (求 [qiú]) có nghĩa là : xin (begging) ; và nguyện (願 [yuàn]) có nghĩa là : mong ước (wish/will/willing). Và như vậy, trong trường hợp này, cầu nguyện có thể được hiểu như là một hành động kép, vừa là tỏ ý muốn xin một điều gì đó, và đồng thời cũng vừa thầm thĩ ước mong rằng mình sẽ có được điều mà mình đã tỏ ý xin.

Ngoài ra, cầu nguyện trong tiếng Việt còn là một từ ghép được dịch từ chữ “pray” (Anh), “prier” (Pháp), mà xét cho cùng, về phương diện tầm nguyên, chúng đều phát xuất từ động từ “precari” trong tiếng La-tinh có nghĩa là : năn nỉ ỉ ôi, nài nỉ, van lơn. Và như vậy, trong trường hợp này, cầu nguyện có thể được hiểu như một hành động, hay thái độ của một người ý thức được rằng mình đang trong tình cảnh rất cần đến một sự phù trợ nào đó từ một Đấng mà mình biết chắc là có thể giúp mình được (bởi vì, chẳng ai lại đi năn nỉ sự trợ giúp từ một ai đó không có khả năng giúp mình cả !).

Bên cạnh đó, động từ tương đương với “precari” (La-tinh) trong tiếng Hy Lạp là động từ “ευχομαι” [êukhomai] có nghĩa là : thề nguyền, khấn hứa ; và động từ này thường đi chung với tiền tố “προς” [pros] thành dạng “προσευχομαι” [prosêukhomai] để diễn tả việc đoan hứa một điều gì đó. Trong trường hợp này, cầu nguyện có thể được hiểu như một diễn tiến đang diễn ra trong nội tâm của người cầu nguyện, đó là tâm tình hiến dâng, đặt trọn con tim, hay tâm trí mình vào Đấng mà mình tín thác.

Hơn nữa, còn có một điều khá lý thú khác, cũng là về động từ “xin”. Trong sách Xuất hành, chương 8 câu 9 có viết như sau : “ĐỨC CHÚA đã nhận lời ông Mô-sê xin. Động từ “xin” ở đây được dịch từ chữ rap [paar] trong tiếng Híp-ri. Theo nguyên gốc, rap [paar] là một động từ được dùng để diễn tả hành động rung cây, rung lắc thân cây hoặc cành cây, để cho quả, hay trái của cây đó rơi rụng xuống đất. Như vậy, câu trên có thể được hiểu cách nôm na là ông Mô-sê đã rung động ĐỨC CHÚA (rung lắc thân cây), và ĐỨC CHÚA đã nhận lời ông (thu nhặt được những quả, hay trái của cây rơi rụng xuống). Và trong trường hợp này, “xin”, hay cầu nguyện mang hàm nghĩa khá gần với động từ “precari” trong tiếng La-tinh, nghĩa là : nỉ non van lơn, hay làm cho “rung động”.


b/. Định nghĩa

Việc thử tìm hiểu những phương diện khác nhau của nội hàm từ ngữ cầu nguyện trong các thứ ngôn ngữ khác nhau có lẽ cũng đã phần nào giúp chúng ta hình dung được chút chút về bản chất của hành vi cầu nguyện trong truyền thống Ki-tô giáo. Theo đó, cầu nguyện trong truyền thống Ki-tô giáo có thể được hiểu như là việc nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa, qua Đức Ki-tô, trong Chúa Thánh Thần, để yêu mến, thờ lạy, ca tụng, cảm tạ, thống hối và cầu xin Ngài ban cho những ơn cần thiết. (x. GLHTCG 2559-2565). Nói cách khác, đơn giản và vắn gọn hơn, cầu nguyện Kitô giáo chính là giữ tương quan tình thân với Thiên Chúa. (x. GLHTCG 2564-2565).

c/. Phân loại

Truyền thống Ki-tô giáo phân biệt ba hình thức cầu nguyện chính yếu, đó là : khẩu nguyện, tâm nguyện (hay suy niệm), và chiêm niệm.


Khẩu nguyện (oratio vocalis/vocal prayer) là hình thức cầu nguyện dùng lời nói để bày tỏ tâm tình khấn nguyện bên trong. Đây là hình thức cầu nguyện phổ biến và bình dân, bao gồm các dạng thức mà chúng ta thường thấy như : đọc kinh Mân Côi, hát thánh ca, nguyện ngắm, dâng hạt, vãn hang đá.

Tâm nguyện (hay suy niệm/mediatio/meditation) là việc dùng khả năng suy tư để tìm hiểu các mầu nhiệm đức tin trong tinh thần cầu nguyện. Mục đích của suy niệm là để cho những nội dung giáo lý mà mình đã học được trở nên của riêng mình. Từ đó, khơi dậy tâm tình yêu Chúa và thương mến tha nhân.

Chiêm niệm (contemplatio, contemplation) là lắng nghe tiếng Chúa vang vọng từ sâu thẳm cõi lòng mình. Chiêm niệm là ơn Chúa ban, qua đó, Thiên Chúa thiết lập nơi thâm tâm con người một mối liên hệ gần gũi sâu xa.

Cần nhớ rằng, Hội Thánh vẫn luôn mời gọi mỗi người chúng ta cầu nguyện đều đặn hằng ngày, qua các kinh nguyện thường đọc ban sáng hay ban tối, hoặc những lời nguyện vắn tắt vào những lúc khác nhau trong ngày ; hay qua các Thánh Lễ Chúa nhật và các lễ trọng của năm phụng vụ, vì phụng vụ là đỉnh cao của mọi hình thức cầu nguyện (x. GLHTCG 2720).


II/. Chúa Giê-su, mẫu gương cầu nguyện

Sau khi đã tìm hiểu sơ sơ về bản chất của việc cầu nguyện, bây giờ chúng ta cùng nhau quan sát đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu qua năm điểm chính tương ứng với năm câu hỏi : Who, What, Where, Why, và How.

a/. WHO : Chúa Giê-su cầu nguyện cho ai ?

Trong các Tin Mừng, chúng ta gặp thấy Chúa Giê-su cầu nguyện cho nhiều đối tượng khác nhau. Chẳng hạn như :

Chúa Giê-su cầu nguyện cho các trẻ nhỏ (Mt 19,13-14)

Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giê-su nói : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”

Chúa Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ (Lc 22,31-32)

Rồi Chúa nói : “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.”

Chúa Giê-su cầu nguyện cho những kẻ làm khổ Người (Lc 23,33-34)

Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”

Chúa Giê-su cầu nguyện cho chính mình (Ga 12, 27-28)

“Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng vì chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha.”

Chúa Giê-su cầu nguyện cho hết tất cả những ai tin vào Người (Ga 17, 20-26)

Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.


b/. WHAT : Chúa Giê-su cầu nguyện điều gì ?

Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, chẳng hạn như Lc 11,1-4, chúng ta thấy Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, và có lẽ Người cũng thường mang lấy tâm tình của những lời kinh đó mỗi khi Người cầu nguyện riêng với Cha.

Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông : “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói : “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy ; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

c/. WHERE : Chúa Giê-su cầu nguyện ở đâu ?

Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết, ngoài những nơi chung được dành cho việc cầu nguyện, có sự hiện diện của các môn đệ và dân chúng, Chúa Giê-su cũng thường cầu nguyện riêng ở nơi thanh vắng một mình.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (Mc 1,35)

Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. (Mt 14,23)

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. (Lc 6,12)

d/. WHY : Tại sao Chúa Giê-su cầu nguyện ?

Tin Mừng cho chúng ta biết, Chúa Giê-su cầu nguyện vì đó là việc làm cốt yếu phát xuất từ mối tương quan hiệp thông sâu xa của Chúa Giê-su với Chúa Cha.

“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt 11,27)

e/. HOW : Chúa Giê-su cầu nguyện với tâm tình như thế nào ?

Chúa Giê-su luôn mang lấy tâm tình phó thác cho Chúa Cha trong những khi phải đối diện với những biến cố hệ trọng trong cuộc đời dương thế của Người.

Người nói : “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” (Mc 14,36)


III/. Tại sao cầu nguyện ?

Sau khi đã cùng nhau tìm hiểu bản chất của việc cầu nguyện là gì, và quan sát một mẫu gương cầu nguyện tuyệt vời trong Tân Ước, là Chúa Giêsu, bây giờ chúng ta thử suy xét xem, tại sao chúng ta cầu nguyện ?

Về câu hỏi này, có thể có hai câu trả lời : câu trả lời đơn giản, và câu trả lời ít đơn giản hơn.

a/. Câu trả lời đơn giản

Chúa Giê-su mà chúng ta yêu mến và tôn thờ đã sống một cuộc đời cầu nguyện gương mẫu ; và noi theo gương Chúa Giê-su, chúng ta cũng cầu nguyện.

b/. Câu trả lời ít đơn giản hơn

Để đưa ra câu trả lời sâu sắc hơn cho vấn đề này, thì chúng ta phải dựa vào giáo lý Thánh Kinh về bản chất của con người.

Bản văn Sáng thế viết rằng : ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh linh. (St 2,7)

Khởi đi từ trình thuật Thánh Kinh đó, Giáo Lý Công Giáo các số 362-363 dạy rằng, con người là một hữu thể độc đáo gồm bởi : thân xác (bụi từ đất), và linh hồn (sinh khí). Hay nói cách khác, nơi con người, có hai thứ đời sống : đời sống tự nhiên (thân xác/bụi từ đất), và đời sống thiêng liêng (linh hồn/sinh khí).

Trong đời sống tự nhiên, chúng ta kết nối với tha nhân, với bạn bè, và vui hưởng những điều tốt đẹp phong phú về nhiều phương diện khác nhau từ những kết nối đó. Chẳng hạn như, kết nối với những người khôn ngoan, đức hạnh, hòa nhã, thì chúng ta lãnh nhận được những sự chỉ bảo khôn ngoan và đúng đắn từ sự kết nối này ; thế nhưng, nếu chúng ta kết nối với người xấu thì chúng ta cũng sẽ nhận được những sai lầm và tai ương tương ứng.

Sự kết nối tự nhiên giữa người với người được trau dồi, vun đắp qua sự gặp gỡ, trò chuyện, họp nhau ăn uống, họp nhau vui chơi, họp nhau làm việc chung trong những dự án nào đó (chẳng hạn như : chuẩn bị chương trình Trung Thu, chương trình diễn nguyện Giáng Sinh, bác ái Mùa Chay, v.v).

Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta kết nối với Thiên Chúa, và vui hưởng những điều may lành trọn hảo từ những ơn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Sự nối kết thiêng liêng giữa chúng ta với Thiên Chúa thì được trau dồi, vun đắp qua việc cầu nguyện, tham dự và lãnh nhận các bí tích, tham dự thánh Lễ, cũng như các buổi cử hành phụng vụ.

Như vậy, là một Ki-tô hữu đích thực, trong niềm xác tín vào một Thiên Chúa tốt lành đã dựng nên chúng ta với tình yêu vô biên của Người, cũng có nghĩa là, chúng ta được mời gọi sống quân bình cả hai phương diện : tự nhiên, và thiêng liêng ; nghĩa là, phải giữ trọn vẹn đồng thời cả hai sự kết nối : với tha nhân, và với Thiên Chúa ; và cũng trong tinh thần đó, về phương diện thiêng liêng, chúng ta nhận ra được rằng, việc cầu nguyện là một hành vi, mà tự bản chất, mọi Ki-tô hữu đích thực đều luôn khao khát thực hiện.


Tóm kết

Bài viết cũng đã khá “đông chữ” rồi (hơn 2500 từ luôn rồi !), bạn đọc chắc cũng đã mỏi mắt. Thay cho phần tóm kết, người viết xin được chia sẻ một lời nguyện ngắn với thiên thần bản mệnh đã được dạy từ lúc còn bé, và vẫn được đọc hằng ngày vào mỗi buổi mai khi vừa thức dậy, như một lời khích lệ cùng nhau sống đời Ki-tô hữu tín thác, đơn sơ và tin yêu, trong mọi ngày sống của mình.

Lạy thiên thần Chúa Trời, là đấng đã nên quan thầy, gìn giữ con, gìn giữ con ;

Vì ơn lòng lành Đức Chúa Trời, xin ngài soi sáng con, phù hộ con, coi sóc con, hôm nay.

Amen.

256 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page