top of page

Một vài ghi nhận về việc dạy-học giáo lý ở miền Bắc

Đức Hữu

Ảnh: Jos Nghị

Dạy và học giáo lý là việc giữ vai trò quan trọng trong đời sống truyền giáo của Giáo hội. Bởi lẽ, nhờ có dạy-học giáo lý mà mọi người được nhận biết Chúa Kitô, thêm yêu mến và đáng thông phần sự sống muôn đời. Hiểu được điều này, việc dạy và học giáo lý ở nhiều nơi, cách riêng là tại Giáo tỉnh Hà Nội (khu vực miền Bắc) cũng đã và đang không ngừng nỗ lực phát triển.

Những hạt giống đức tin được gieo nơi vùng đất phương Bắc từ rất sớm. Theo các tài liệu lịch sử, nhất là trong Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục được Quốc sử quán triều Nguyễn soạn dưới triều vua Tự Đức, thì từ năm 1533, giáo sĩ Inêkhu (Ignacio) đã đến truyền đạo tại Ninh Cường, Quần Anh và Trà Lũ (nay thuộc tỉnh Nam Định, giáo phận Bùi Chu). Chính vì thế, có lẽ sẽ không nói quá khi nhận định nơi phương Bắc đã có một nền giáo dục đức tin vô cùng lâu đời và vững chắc, hạt nảy mầm cũng đã và đang kết trái thơm hương. Tuy nhiên, bên cạnh truyền thống đức tin và tinh thần nhiệt thành, chắc hẳn cũng xuất hiện những góc khuất trong việc dạy và học giáo lý tại Giáo tỉnh miền Bắc.

Thông tin thu thập dưới đây hoàn toàn là kinh nghiệm của người viết, thông qua một quá trình trực tiếp hoặc gián tiếp học tập và giảng dạy giáo lý. Vì vậy, kính mong quý độc giả sẽ đóng góp ý kiến để những ghi nhận trong bài viết này thêm hoàn thiện, để phần nào đó giúp đỡ cho công cuộc giáo dục đức tin thêm tốt đẹp hơn.


NHỮNG MẶT TÍCH CỰC

Tinh thần nhiệt thành của giáo lý viên

Giáo lý viên luôn hoạt động với tinh thần nhiệt thành, con tim nồng ấm, tấm lòng yêu thương. Trong số họ, có người đã hai màu tóc, dạy giáo lý những 20-30 năm và có những người hơn thế nữa. Nụ cười vẫn xuất hiện trên môi họ mỗi lần họ đến lớp giảng dạy, và họ thực sự cảm nhận, dạy giáo lý là một phần cuộc sống không thể thiếu. Bên cạnh đó, cũng có những người trẻ năng động, sáng tạo, và có trái tim tuyệt vời, đã hy sinh như một cách đền đáp công ơn.

Đội ngũ giáo lý viên luôn có tinh thần trách nhiệm rất cao. Cụ thể, trước mỗi giờ lên lớp luôn là những thời gian soạn giáo án kỳ công và kỹ lượng. Đối với những giáo lý viên trẻ, đây còn là một trải nghiệm rất lý thú và mới mẻ. Có bạn đã chia sẻ: “Vài buổi trước khi lên lớp, em đã phải đứng trước gương tự giảng cho chính mình”.

Bên cạnh việc dạy giáo lý, các giáo lý viên cũng tham gia phục vụ tích cực các hoạt động khác tại giáo xứ, giáo họ của mình.

Sự quan tâm của các bậc bề trên

Tại các xứ, họ đạo, các linh mục rất quan tâm đến tình hình dạy và học giáo lý. Các giáo lý viên luôn được các cha quan tâm, khích lệ và động viên khi cần thiết. Tại hầu hết các giáo xứ, linh mục luôn đốc thúc việc học giáo lý bằng cách nhắc nhở phụ huynh và các em thiếu nhi.

Bên cạnh đó, các bậc ông bà, cha mẹ cũng kết hợp giúp đỡ để việc dạy và học giáo lý được giữ vững. Các bậc phụ huynh thường xuyên quan tâm, nhắc nhở con em mình biết học về Chúa song song với việc học văn hóa bên xã hội.

Một điều đáng ghi nhận là truyền thống đọc kinh, lần hạt, đi kiệu trong các dịp lễ lớn và các cuộc thi giáo lý trong xứ hoặc liên xứ, đã được các thừa sai trước đây lập nên, đến nay vẫn được duy trì và phát triển mạnh mẽ. Giáo lý viên và các em thiếu nhi đều tham gia các hoạt động này cách hăng say và sốt sắng.

Mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo lý viên và học viên

Tinh thần cởi mở, chia sẻ, không khí yêu thương giúp các giáo lý viên và học viên luôn gắn chặt, không tách rời. Bằng tất cả sự nhiệt tình, các giáo lý viên được các em học viên rất kính trọng, và coi như những người cha, người mẹ thứ hai của mình. Vào những ngày lễ, tết, đặc biệt là dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, Ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3, Ngày lễ Bổn Mạng,... các em luôn chuẩn bị những phần quà ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần gửi tặng người thầy, người cô dạy đức tin cho mình. Bên cạnh đó, các em thoải mái chia sẻ cả những chuyện riêng tư nhất để xin các giáo lý viên tư vấn.

Các phương tiện hỗ trợ đầy đủ và tiện nghi

Hầu hết các giáo xứ, giáo họ tại miền Bắc luôn ưu tiên việc xây dựng Trường Giáo lý. Các phòng học đều khá thoáng mát, sạch sẽ. Các thiết bị như bảng, phấn, khăn lau, chổi quét,... cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngoài ra, sách vở phục vụ cho việc học và dạy giáo lý được đáp ứng đầy đủ cho tất cả học viên và giáo lý viên.


Ảnh minh họa - Nguồn: giaophanthaibinh.org

NHỮNG MẶT TIÊU CỰC

Tình trạng thiếu giáo lý viên

Tình trạng “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,38) xuất hiện ở rất nhiều giáo xứ, giáo họ trong Giáo tỉnh Hà Nội. Nguyên nhân phần nhiều là do tình trạng di dân, do nhu cầu kinh tế đòi hỏi phải đi làm kể cả vào ngày Chúa nhật, hoặc do bản thân người trẻ không có đỷ trình độ, thiếu kiến thức giáo lý căn bản, thậm chí là không có tinh thần phục vụ. Vì vậy, nhiều giáo xứ, giáo họ hoặc lựa chọn đào tạo cấp tốc các giáo lý viên trẻ, hoặc cần đến sự giúp đỡ từ những giáo lý viên tuổi đã cao. Hai lựa chọn này cũng có những hạn chế nhất định.

Giáo lý viên trẻ thiếu kinh nghiệm

Tình trạng thiếu nhân lực nhắc trên đã khiến nhiều nơi chọn phương án cấp tốc bồi dưỡng các em nhỏ trở thành giáo lý viên, nhưng các em này chưa có nhiều kinh nghiệm, cả kinh nghiệm phần đời lẫn phần đạo. Một số bạn chỉ lớn hơn 1-2 tuổi so với các em đang học giáo lý Sống đạo. Ngoài ra, chính vì độ tuổi còn quá trẻ, nên đôi khi các bạn chưa biết cách kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, cáu gắt với các em học viên, và chưa biết xử lý các tình huống bất ngờ. Nghiêm trọng nhất là kiến thức giáo lý chưa đủ vững chắc, và đời sống đức tin chưa đủ trưởng thành.

Giáo lý viên lớn tuổi có phương pháp giảng dạy còn truyền thống

Các giáo lý viên lớn tuổi này đáng tuổi ông, tuổi bà của các em thiếu nhi, vì thế khoảng cách thế hệ giữa họ và các em là rất lớn. Trong khi, các em muốn có được một bầu khí vui tươi, hào hứng, những tiết sinh hoạt thú vị, thì dường như đây lại là khó khăn của nhóm các giáo lý viên này. Một số giáo lý viên lớn tuổi chỉ biết đến hình thức giảng, đọc, chép, khiến các em học viên vừa không hiểu bài, vừa lại rất ngán ngẩm.

Cha mẹ không quan tâm đến việc học giáo lý của con cái

Vì lí do mưu sinh, cơm áo gạo tiền mà giờ đây một số cha mẹ không thiết tha đến việc xây dựng và bồi đắp cho con mình một đời sống đức tin vững chắc. Có những cha mẹ nghĩ rằng việc đến lớp giáo lý chỉ là để vui chơi, không thiết thực hay “học kinh là đủ rồi”. Giáo dục trong gia đình cũng có nhiều thiếu sót, vì thế các em thiếu nhi thiếu đi người gần gũi nhất để noi theo, để tâm sự. Tình trạng học giáo lý ở một số nơi gặp bế tắc cũng vì từ gia đình.

Các em thiếu nhi không coi trọng việc học giáo lý

Môi trường giáo lý không đủ thu hút các em, gia đình không chú trọng là hai trong những nguyên nhân khiến các em thiếu nhi không coi trọng việc học giáo lý. Ngoài ra, một phần cũng vì áp lực học văn hóa ở ngoài trường. Các em thiếu nhi bị áp lực học tập, áp lực thành tích rất lớn. Các em phải dành mọi thời gian trống để học thêm, và như thế không còn thời gian để học Giáo lý, thậm chí các em cũng ít đến nhà thờ hẳn.

Ngoài ra, các em tại các vùng quê còn có tình trạng bỏ học văn hóa sớm để đi làm, kiếm tiền cho gia đình. Một số khác bị đồng tiền cám dỗ, đời sống vật chất quá lớn, nên cũng không muốn tiếp tục học tập. Các em nghỉ học sớm, thậm chí nhiều em còn phải đi làm ở phương xa, nên giáo xứ, giáo họ khó mời gọi các em tiếp tục học giáo lý, và đời sống đức tin ắt hẳn sẽ đôi phần bị ảnh hưởng xấu!


Ảnh minh họa - Nguồn: giaophanthaibinh.org

GIẢI PHÁP

Dưới đây là một số giải pháp phù hợp mà chúng tôi đã thu thập được tại một số giáo xứ thuộc Giáo phận Thái Bình để giải quyết một số vấn đề tiêu cực trên.

Nâng cao trình độ giáo lý viên qua các khóa học

Giáo phận, giáo hạt sẽ tổ chức các lớp học dành riêng cho giáo lý viên, dự bị giáo lý viên vào một buổi cố định trong tuần. Các lớp học sẽ do các linh mục, phó tế, tu sĩ, những người có trình độ, kinh nghiệm đứng lớp phụ trách giảng dạy. Tại các lớp học, các giáo lý viên từ nhiều xứ được quy tụ, chia sẻ khó khăn và học hỏi về Thánh Kinh, Phụng vụ, Sư phạm Giáo lý, các phương pháp giảng dạy hiệu quả,... Sau mỗi khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ khả năng giảng dạy theo các cấp theo học. Được biết mô hình này đã phát triển mạnh mẽ và gặt hái được nhiều thành công tại TGP. Sài Gòn và Gp. Xuân Lộc.

Ngoài ra, Giáo phận cũng tổ chức các khóa tập huấn thường niên, mỗi khóa dài ba ngày, dành cho mọi giáo lý viên vào dịp Lễ Bổn Mạng Giáo lý viên.

Phân bổ đan xen giáo lý viên giàu kinh nghiệm và thiếu kinh nghiệm

Khi sắp xếp, phân chia giáo lý viên giảng dạy, giáo xứ cần phân bổ các giáo lý viên “trẻ nghề” trợ giảng cho giáo lý viên “lão làng”. Việc xen kẽ này vừa giúp các bạn giáo lý viên trẻ không bị quá áp lực với công việc mới này, đồng thời giúp các bạn được học hỏi và thực tập việc dạy giáo lý cách hiệu quả hơn. Các bạn giáo lý viên trẻ còn giúp các giáo lý viên lâu năm trong việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt để giờ học giáo lý thêm sinh động.

Khuyến khích tinh thần dạy & học Giáo lý

Linh mục xứ, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, Ban Khuyến học,... thường xuyên động viên, khuyến khích các Giáo lý viên và các em thiếu nhi trong toàn xứ bằng nhiều hình thức khác nhau. Các giáo lý viên luôn cần được khích lệ. Đôi khi vì lí do cơm, áo, gạo, tiền mà họ bị giảm bớt chút ít tình yêu với các em nhỏ, cộng với những áp lực khác mà họ không thiết tha với việc dạy giáo lý. Do đó, sự khích lệ, chia sẻ tâm tình của giáo xứ luôn cần thiết.

Ngoài ra, việc giáo xứ tổ chức các cuộc thi như tìm hiểu Phụng vụ, các thánh, thi đua lần chuỗi Mân Côi dâng Mẹ,... cùng với những phần khen thưởng sẽ đóng góp rất nhiều trong việc khuyến khích các em theo học giáo lý.

Giáo xứ cũng dành khoảng 1-2 buổi/năm để gặp gỡ các phụ huynh. Trong buổi họp phụ huynh, ngoài tổng kết tình hình học giáo lý của các em, giáo xứ đặc biệt đề cao tinh thần đức tin gương mẫu trong mỗi gia đình và giúp các cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của việc học giáo lý. Nhờ những buổi gặp mặt này mà giáo xứ biết được các em nào có hoàn cảnh khó khăn, để hỗ trợ các em tiếp tục theo học văn hóa và giáo lý.


Ảnh minh họa - Nguồn: gioitre-tnttgptb.org

***

Việc dạy và học giáo lý rất quan trọng và cần thiết đối với tất cả mọi người và cần mọi người cộng tác để thế hệ tương lai được giáo dục và phát triển toàn diện. Trên đây là một số nhận định có được từ sự quan sát, tiếp xúc và tìm hiểu tình hình dạy-học giáo lý của một số giáo phận Thái Bình, Bùi Chu, Hà Nội, Bắc Ninh,... Người viết rất mong nhận được ý kiến xây dựng để đóng góp một phần vào việc dạy-học giáo lý và giáo dục đức tin của Giáo hội.

527 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page