top of page

Thuận Lợi Và Khó Khăn Trong Việc Giáo Dục Đức Tin Cho Trẻ Từ 12 Đến 16 Tuổi [1]

Đã cập nhật: 17 thg 12, 2021

Tác giả Sunshine Võ từng là giáo lý viên phục vụ tại giáo phận Sài Gòn và Phan Thiết. Theo quan sát và kinh nghiệm cá nhân, tác giả đã nhận ra được những thuận lợi và khó khăn trong sứ mạng giáo dục đức tin cho thanh thiếu niên mà nhiều giáo xứ tại Việt Nam đang gặp. Những thuận lợi và khó khăn này đều chịu sự chi phối từ bốn yếu tố: xã hội, gia đình, học viên giáo lý và giáo lý viên.

Ban Biên tập xin giới thiệu bài viết này thành hai phần. Trong phần đầu, tác giả sẽ trình bày hai yếu tố xã hội và gia đình.

Mời xem Phần 2.

***

Sunshine Võ


Trong bối cảnh hiện nay, việc giáo dục đức tin tại các giáo xứ ít nhiều đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Hầu hết, đối tượng chủ lực mà các giáo xứ đều dành sự quan tâm đặc biệt trong việc giáo dục đức tin là các em thiếu nhi và thanh thiếu niên. Thế nên, việc lưu tâm đến những thuận lợi và khó khăn trong việc dạy giáo lý cho các em là điều hết sức cần thiết. Chính sự phân định này sẽ giúp cho các nhà giáo dục đức tin có được những bước đi hợp lý và hiệu quả hơn trong bối cảnh đầy thách đố của thời đại hôm nay. Lứa tuổi từ 12 đến 16, hay lứa tuổi thiếu niên, vẫn luôn là thành phần có nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhất trong việc dẫn dắt các em vào đời sống đức tin trưởng thành. Vì vậy, hãy cũng nhìn lại những thuận lợi và khó khăn trong việc giáo dục đức tin cho trẻ từ 12 đến 16 tuổi trong bối cảnh ngày nay.

Việc giáo dục đức tin cho các em trong thời đại hôm nay bị tác động bởi nhiều yếu tố, từ đó dẫn đến những thuận lợi và khó khăn khác nhau. Các yếu tố chủ chốt có thể được nêu ra chính là: xã hội, gia đình, người học (bản thân các em) và người dạy (giáo lý viên).


Yếu tố xã hội

Các yếu tố tích cực mà môi trường xã hội hiện đại mang đến cho chúng ta có thể gồm sự phát triển của phương tiện truyền thông, công nghệ kỹ thuật hiên đại, v.v. – những điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường dạy giáo lý. Việc giảng dạy giáo lý ngày nay đang có sẵn một nguồn hỗ trợ lớn từ các nền tảng truyền thông cũng như các công cụ tìm kiếm. Việc chia sẻ tài liệu hay tham khảo các nguồn liên quan đến việc giảng dạy giáo lý cho các em được thực hiện cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này cũng làm tăng thêm sự phong phú và đa dạng cho nội dung giảng dạy của giáo lý viên, từ đó dễ thu hút các em ở độ tuổi thiếu niên hơn. Vì ở độ tuổi này, các em khó có thể được thỏa mãn với những hình thức giảng dạy đơn giản như dành cho tuổi thiếu nhi. Với nguồn dữ liệu phong phú trên mạng, giáo lý viên có thể sáng tạo ra nhiều phương cách giảng dạy mới để truyền tải thông điệp đức tin cho các em cách hữu hiệu hơn và phù hợp hơn theo từng lứa tuổi. Sự phát triển công nghệ kỹ thuật cũng góp một phần không nhỏ cho việc dạy giáo lý. Các buổi học giáo lý mà có sử dụng âm thanh, hình ảnh, máy chiếu, v.v. thường mang lại hiệu quả và đạt chất lượng cao hơn. Bản thân các em ở lứa tuổi này cũng thích những thứ liên quan đến công nghệ, thích những gì hiện đại. Những thứ ấy dễ tạo thêm hứng khởi cho các em trong buổi học. Vì vậy, việc gia tăng tương tác và tận dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong thời đại 4.0 này đối với việc giáo dục đức tin cho các em là hết sức cần thiết.[i]

Tuy nhiên, sự tân tiến của xã hội cũng đem lại những thách đố cho việc giảng dạy giáo lý. Thứ nhất, công nghệ kỹ thuật hiện đại cũng khiến cho nhiều người bị lôi cuốn vào lối sống hưởng thụ, gồm cả các em ở độ tuổi này chưa làm chủ được mình trước những cám dỗ của thời đại công nghệ. Nhiều em suốt ngày bị lôi cuốn bởi những trò chơi điện tử, game online, hay đơn giản là suốt ngày chỉ biết “cắm mặt” vào smartphone để lên mạng xã hội. Dần dà các em bị kéo ra khỏi lối sống kết hiệp với Chúa, bỏ bê việc học giáo lý. Kế đến, xã hội ngày nay liên tục dấy lên những phong trào sống ảo, chủ nghĩa cá nhân hoặc nguy hiểm hơn là sự xuất hiện của những học thuyết phản giáo lý Kitô giáo. Ở độ tuổi này, hầu hết các em đều tiêu tốn khá nhiều thời gian với mạng internet trên nhiều phương tiện. Thế nên, việc tiếp xúc với những lối sống lệch chuẩn và những lý thuyết phản đức tin, với một mức độ nào đó, sẽ khiến các em dễ bị lung lay khi nền tảng đời sống đức tin và luân lý của các em còn non yếu. Bên cạnh đó, sự bất trắc của nền giáo dục đã làm hư lệch tư duy của các thế hệ thanh thiếu niên. Nạn gian dối và bạo lực học đường chính là những biểu hiện cụ thể đáng báo động nhất. Những vấn nạn này cũng đang dần lây lan sang môi trường học hỏi giáo lý. Nhất là đối với lứa tuổi này, độ tuổi mà có nhiều em muốn khẳng định bản thân bằng những lối sống tiêu cực, thì việc uốn nắn các em về lại với con đường ngay chính theo gương Chúa Giêsu trong khi đã bị xã hội, thói đời làm nghiêng ngã là một nhiệm vụ không hề dễ đối với các giáo lý viên. Mặt khác, những đam mê và những tệ nạn xã hội không chỉ ảnh hưởng tới các em mà còn tác động đến chính các giáo lý viên. Thế nên, đối diện với những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội trong việc giáo dục đức tin cho các em là một nhiệm vụ đầy khó khăn cần phải vượt qua.


Yếu tố gia đình

Hiện nay, điều kiện sống của các gia đình có phần tốt hơn so với nhiều thập niên trước. Vì vậy, nhiều phụ huynh có nhiều phương tiện để chăm sóc con cái của mình tốt hơn. Các bậc cha mẹ có một nền tảng đức tin và đời sống đạo tốt thì thường họ rất quan tâm đến đời sống thiêng liêng của con em mình. Họ thường xuyên đôn đốc và bảo ban các em trong việc đi lễ cũng như học giáo lý. Một số phụ huynh còn thường đối thoại với con cái mình về những vấn đề đức tin trong bữa cơm hay những khi có thời gian, để củng cố đời sống đạo của các em hơn. Một số phụ huynh còn là những giáo lý viên nòng cốt của giáo xứ.

Tuy nhiên, khi vật chất tăng nhiều lên, nhiều người lại càng chú tâm kiếm tìm vật chất mà xem nhẹ đời sống đạo đức và tâm linh. Với nếp sống hiện nay, nhiều gia đình dường như sống vội vã và dành hết quỹ thời gian cho công việc. Thế nên, cũng có nhiều bậc làm cha làm mẹ dành rất ít sự quan tâm cho con cái. Nếu họ có quan tâm thì sự quan tâm ấy dường như chỉ thể hiện ở việc kiếm tiền cho con có ăn học, có tương lai sự nghiệp. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ cố gắng chạy trường cho con, sẵn sàng ưu tiên để con được học thêm mà bỏ giờ lớp giáo lý, giờ lễ Chúa Nhật. Chính những điều này đang gây khó khăn cho sứ mạng giáo dục đức tin cho các em, vì chính phụ huynh các em xem nhẹ việc học giáo lý, việc giữ đời sống thiêng liêng. Một thực trạng đáng buồn là nhiều phụ huynh bị giới hạn bởi tầm nhìn thiếu chiều sâu, chỉ nghĩ rằng con mình xưng tội – rước lễ xong, thêm sức xong là đủ. Họ cho rằng con cái họ khi lãnh đủ các bí tích khai tâm là mặc nhiên con họ có thể rời xa môi trường giáo dục đức tin tại giáo xứ. Có thể nói, bản thân những phụ huynh này cũng chưa thật sự có được một sự trưởng thành đức tin nên họ khó có thể hình dung ra tầm quan trọng của việc cho con cái họ có được một nền tảng đức tin hoàn chỉnh. Do vậy, nhiều người trong họ xem nhẹ tôn giáo và không muốn dành thời gian cho đời sống đức tin. Chính vì những quan niệm này mà các lớp giáo lý thành ra như bị cưỡng ép, hoặc chỉ là thủ tục để lãnh nhận bí tích. Thế nên, với cách sống và lối suy nghĩ của nhiều phụ huynh thời nay, những khó khăn trong việc giảng dạy giáo lý càng tăng thêm thách đố.


[i] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, 16/10/1979, số 14, 17, 31.

209 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page