Tác giả Sunshine Võ từng là giáo lý viên phục vụ tại giáo phận Sài Gòn và Phan Thiết. Theo quan sát và kinh nghiệm cá nhân, tác giả đã nhận ra được những thuận lợi và khó khăn trong sứ mạng giáo dục đức tin cho thanh thiếu niên mà nhiều giáo xứ tại Việt Nam đang gặp. Những thuận lợi và khó khăn này đều chịu sự chi phối từ bốn yếu tố: xã hội, gia đình, học viên giáo lý và giáo lý viên.
Ban Biên tập xin giới thiệu bài viết này thành hai phần. Trong phần hai này, tác giả sẽ trình bày hai yếu tố còn lại: học viên giáo lý và giáo lý viên.
Mời xem Phần 1.
***
Sunshine Võ
Yếu tố người học (bản thân các em)
Về mặt tích cực, các em ở độ tuổi này khá thông minh và nhạy bén. Các em được tiếp xúc khá nhiều với những kiến thức phong phú và đa dạng. Có thể nói, não bộ của các em trong độ tuổi này phát triển tới một mức độ mới, khiến các em có khả năng suy luận tốt hơn, nắm bắt vấn đề nhanh hơn và liên hệ với các thực tế trong cuộc sống nhạy bén hơn. Đây là những khía cạnh rất thuận lợi cho việc giáo dục đức tin và hướng các em đến những thực hành cụ thể.
Tuy nhiên, với một trình độ suy lý nhất định, và với những kiến thức thu nạp trên nhà trường, qua mạng, sách báo, v.v., đôi khi các em có thể đặt ngược lại vấn đề cho các giáo lý viên về những chủ đề có vẻ mâu thuẫn với những gì mà các em được tiếp thu bởi các nguồn ngoài Kitô giáo. Tỷ như các vấn đề như thuyết tiến hóa, tính lịch sử Kinh Thánh với nhân loại, v.v.. Điều này đòi hỏi giáo lý viên phải có một nền tảng giáo lý chắc chắn để khỏi bối rối trước những khúc mắc mà các em đưa ra, đồng thời giúp các em làm sáng tỏ điều mà các em đang thắc mắc.
Như đã nói, ở độ tuổi thiếu niên này, các em đang phải trải qua giai đoạn phát triển tâm sinh lý, hình thành tính cách, nên những ảnh hưởng ở ngoài xã hội rất dễ tác động đến các em. Đặc biệt trong thời đại mà mạng xã hội phát triển cách đột biến, các em rất dễ bị cuốn theo những trào lưu vô bổ hay thậm chí là gây nguy hại cho bản thân. Nhiều em mê mẩn với những thần tượng, bắt chước họ trong cách ăn mặc, lối sống, v.v.. Từ những điều này, nhiều em dần không còn quan tâm đến việc học giáo lý nữa. Nhiều em chỉ lo chạy theo những mộng ảo của riêng mình. Những lời giảng dạy, khuyên bảo của giáo lý viên đối với những em ấy chỉ như gió thoảng bên tai.[i]
Một khó khăn khác mà các nhà giáo dục đức tin cho các em cần phải lưu tâm, đó là những áp lực cuộc sống mà các em đang phải gánh chịu, cụ thể nhất là áp lực từ nhà trường. Phải nói rằng, ngày nay, các em đang phải gồng mình với một lượng lớn kiến thức từ học đường. Việc học quá nhiều, học ngày, học đêm, học thêm, học bù dường như khiến các em bị ám ảnh và có ác cảm với việc học. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc học giáo lý. Vì nhiều em mang trên mình tâm thức sợ việc học trên nhà trường vô hình trung cũng hình thành phản ứng né tránh, e ngại việc học giáo lý. Ngoài ra, nhiều em đặt tầm quan trọng của việc học văn hóa ở các trường lớp lên trên việc học hỏi giáo lý. Nguyên nhân phần nào là do sự kỳ vọng của các bậc cha mẹ đã gián tiếp khiến các em vùi đầu vào sách vở cách thái quá, kế đến là do sự khắt khe của trường học khi nhiều lần buộc các em phải chọn lựa giữa việc tăng tiết, học thêm với việc đi lễ, học giáo lý vào ngày Chúa Nhật.[ii]
Yếu tố người dạy (giáo lý viên)
Trong thời đại ngày nay, mặt bằng chung của giáo lý viên tại các giáo xứ hầu hết là người trẻ. Trong đó, một số giáo lý viên có kiến thức và kỹ năng sư phạm rất tốt, cùng với đó là những kinh nghiệm phong phú bắt kịp những xu hướng của thời đại. Với lực lượng giáo lý viên mang nhiều sức trẻ và nhiệt huyết, việc giáo dục đức tin tại các giáo xứ luôn có những bước chuyển linh động, phù hợp với sự thăng tiến đời sống đức tin của các em thiếu nhi và thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, đối với các giáo lý viên trẻ ngày nay, đa phần họ chỉ có khả năng sinh hoạt mà thiếu hẳn những khả năng như sư phạm cho từng lứa tuổi, quản trị lớp học, nắm bắt tâm lý học viên, v.v.. Họ thiếu các kinh nghiệm giáo lý trong cuộc sống, nên đôi lúc họ khó có thể truyền đạt giáo lý một cách chắc chắn và dễ hiểu cho các em, cũng như không đủ bản lĩnh để giải quyết những vấn đề hóc búa mà các em đưa ra. Mặt khác, vì hầu hết các giáo lý viên trẻ còn đang là sinh viên hay mới tốt nghiệp và đi làm, nên họ cũng có những vướng bận trong cuộc sống của riêng mình. Một số phải dành thời gian vào việc học, số thì lo cho việc khởi nghiệp, số khác thì phải lo cho tổ ấm mới xây dựng, v.v.. Do đó, thời gian dành cho việc giảng dạy giáo lý có phần bị hạn chế.[iii]
Trong đội ngũ giáo lý viên, có không ít giáo lý viên là những người đã có gia đình, ở độ tuổi trung niên trở lên. Các giáo lý viên này thường có nhiều kinh nghiệm sống, đã trải qua nhiều biến cố của đời sống đức tin và có kinh nghiệm giảng dạy giáo lý lâu năm. Thế nên, đối với lứa tuổi thiếu niên, các giáo lý viên này, với vốn sống của mình, là những người rất dễ truyền cảm hứng cho các em, vì chính các em cũng đang rất háo hức để mau chóng trưởng thành, trở thành người lớn. Thêm vào đó, các giáo lý viên này thường có uy tín và uy thế hơn đối với các em so với những giáo lý viên trẻ chỉ hơn các em trong độ chục tuổi.
Tuy nhiên, trong số những giáo lý viên kỳ cựu này, nhiều người cũng phải đang đối mặt với vấn đề kinh tế cho gia đình, chỉ có thể tham gia một cách hạn chế trong việc giáo dục đức tin cho trẻ tại giáo xứ. Thêm vào đó, nhiều người khó dung hòa theo lối sống và cách nghĩ của người trẻ bây giờ nên cũng khó tìm được tiếng nói chung hoặc tạo mối tương quan gần gũi với những học viên trẻ tuổi. Thế nên, khoảng cách thế hệ cũng là một khó khăn nhất định trong việc đối thoại đức tin.[iv]
******
Tóm lại, bản thân người giáo lý viên ngày nay đang phải đối diện với nhiều vấn đề không chỉ đến từ những yếu tố trong cuộc sống của những người mà họ có trách nhiệm giáo dục, mà còn đến từ những khía cạnh xã hội khác đang ảnh hưởng đến chính bản thân họ, cuộc sống của họ. Tất cả những điều đó đều là những thách đố mà người giáo lý viên cần phải nỗ lực vượt qua. Chỉ như thế, những lời giảng dạy của giáo lý viên mới trở nên khả tín và có sức thuyết phục, cũng như tạo nguồn động lực để các em nuôi dưỡng đời sống đức tin của mình.
[i] X. LM. PHILIPPHÊ TRẦN CÔNG THUẬN, Bạo lực học đường, nxb Tôn Giáo, 9/12/2015, tr. 307. [ii] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, 16/10/1979, số 69. [iii] X. THÁNH BỘ PHÚC ÂM HÓA CÁC DÂN TỘC, Sách hướng dẫn giáo lý viên, 3/12/1993, số 6, 10. [iv] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Dạy giáo lý trong thời đại chúng ta, 16/10/1979, số 21, 36, 39.
Commentaires