top of page

Chân Phước Anrê Phú Yên Nói Gì Với Người Trẻ Công Giáo Việt Nam Hôm Nay?

Đã cập nhật: 1 thg 12, 2021

Mạnh T. Nam


Trong Tông huấn Christus vivit, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tôn vinh chân phước Anrê Phú Yên là một trong những vị thánh trẻ “đã dâng hiến đời mình cho Đức Kitô;” họ “đã cho thấy vẻ đẹp rực rỡ của tuổi trẻ,” gương mẫu đời sống đức tin của các ngài “cho thấy người trẻ có khả năng làm được những gì khi họ mở lòng ra để gặp gỡ Đức Kitô” (số 49). Giáo hội cũng nhìn nhận rằng, đời sống chứng tá của các ngài mang tính tiên tri về lòng nhiệt thành tông đồ của người trẻ hiện nay. Như thế, trong bầu khí Giáo hội Việt Nam long trọng cử hành ngày tôn vinh các thánh tử đạo tại Việt Nam, trong đó có chàng trai trẻ Anrê Phú Yên, thật thích hợp khi đọc lại cuộc đời trẻ trung của ngài, để từ đó đọc ra được thông điệp ngài để lại cho người trẻ Công giáo Việt Nam ngày hôm nay.


“Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu …”

Sau khi được cha Đắc Lộ rửa tội vào năm 1641 (lúc ấy chàng trai Anrê Phú Yên chừng 16 tuổi), anh đã quyết tâm sống giữ nghĩa cùng Chúa trong mọi khoảnh khắc đời mình. Và con đường anh chọn cho lý tưởng ấy chính là dấn thân trợ giúp các thừa sai trong việc gieo hạt giống Lời vào mảnh đất mầu mỡ của Việt Nam thế kỷ XVII. Anh đã xin gia nhập nhóm thầy giảng của cha Đắc Lộ, và năm 1642 được chuyển ra Hội An để được đào tạo.

Để cho một hạt giống khi được gieo vào lòng đất có thể nảy mầm, lớn mạnh thành cây, và sau đơm hoa kết trái được, người nông dân phải quan tâm đến “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.” Tương tự như vậy, trước khi chính thức trở thành người gieo giống Tin Mừng, anh Anrê phải dày công học cho biết được thế nào là nước, là phân, là cần và là giống. Ở Hội An, anh đã theo học thầy Inhaxiô, bắt đầu học chữ, học Kinh Thánh, và nhiều điều khác.

Anh không đóng kín mình trong các bức tường của trường thầy giảng, nhưng sẵn sàng bước ra ngoài, đến với những ai cần được giúp đỡ: Thầy Anrê đặc biệt chăm chỉ đi theo thầy Inhaxiô trong mọi hoạt động vì lòng bác ái, thầy đến tận kinh đô xứ Đàng Trong, ở đó riêng mình thầy làm việc bằng nhiều người khác. […] Thầy giảng đạo cho người ngoại giáo, dạy dỗ kẻ tân tòng…, dọn dẹp nhà thờ rất sạch sẽ, trang hoàng nhà thờ trong những ngày lễ lớn, khéo léo đến nỗi làm cho bổn đạo tăng thêm lòng sốt sắng và cả người ngoại giáo cũng phải trọng kính mầu nhiệm của đạo.[1]

Như vậy, chàng trai Anrê Phú Yên đã thu về cho mình những điều cần thiết, gồm tri thức, tu đức và đức tin, để chính lúc đó và mai này, anh sẵn sàng cho người khác biết được, dù thế nào, anh vẫn luôn giữ nghĩa cùng Đức Giêsu, kể cả khi phải đối mặt với cái chết.


“… cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”

Theo ghi chép của cha Đắc Lộ, chàng trai trẻ Anrê Phú Yên sau khi lãnh nhận phép Thanh Tẩy, đã chọn câu này để làm châm ngôn đời sống chứng tá của mình: Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”. Lý tưởng này đã tỏa sáng trong giai đoạn ngài theo học trường thầy giảng, lại càng tỏa sáng hơn khi giờ của anh đến gần.

Năm 1644, tức sau khi được rửa tội chừng 3 năm, lúc ấy, anh độ 19 tuổi, đã bị quan nha bắt giữ. Quan trấn dinh Quảng Nam khi ấy ra lệnh bắt giữ các linh mục phương Tây và tử hình; và đối tượng truy nã chính là thầy Inhaxiô, ân sư của anh Anrê. Lúc lính tìm đến được nhóm của thầy Inhaxiô đang ở, thầy không có mặt ở đó, anh Anrê đã tình nguyện nộp mình để thế chỗ cho ân sư. Dù bị tra tấn, dù bị dụ ngọt nhưng anh Anrê vẫn quyết không chối đạo, vẫn quyết sẽ giữ nghĩa cùng Đức Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.

Trước khi chịu hành hình, anh Anrê Phú Yên khảng khái tuyên nhận: “Các anh em thấy rõ tôi đây đã bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người hay làm thiệt hại ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa tể trời đất và Con Một Người xuống thế chuộc tội cho ta. Mọi sự ta có đều do Người. Thế mà người ta lại muốn tôi phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta có thể bắt tôi chịu, tôi chỉ sợ lửa hoả ngục đời đời. Hỡi anh em, anh em hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời đã ban cho anh em.[2]

Vào chiều ngày 26/7/1644, anh Anrê Phú Yên quỳ giữa pháp trường, bị đâm ba lần ở sau lưng, nhưng vẫn bình thản và miệng không ngớt kêu cầu Danh Thánh Giêsu, cho đến khi đao phủ hạ đao chém đầu anh. “Thánh Danh Giêsu không thể phát ra từ miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim nầy dầu có chết, cũng còn giữ mãi Thánh Danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi Danh Thánh Giêsu được, thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Danh Chúa.”[3] Cha Đắc Lộ, vị chứng nhân cho cuộc đời tử đạo này, đã ghi lại những dòng ấy.


Thông điệp cho người trẻ Công giáo Việt Nam ngày nay

Chân phước Anrê Phú Yên đã để lại cho người trẻ Công giáo Việt Nam ngày nay mẫu gương về lòng hăng say tông đồ của tuổi trẻ. Lãnh phép Thanh Tẩy năm 16 tuổi và chịu tử đạo năm 19 tuổi – đây là độ tuổi của những mộng mơ, của những hoài bão. Với Anrê Phú Yên, hoài bão anh chọn và quyết tâm theo đuổi chính là trở thành một tông đồ - một người nhận biết và sống theo ý Chúa.

Trong hành trình theo đuổi lý tưởng ấy, ta có thể học được nơi anh những bài học sau:

1. Lý tưởng của anh khởi đi và quy hướng về chính Đức Giêsu

Thế giới hoài bão trong xã hội hiện đại của thế kỷ XXI này chắc hẳn phong phú hơn nhiều so với hoài bão của người trẻ cách đây bốn thế kỷ. Nhưng dù là hoài bão này, thì hoài bão ấy cũng cần khởi đi và quy hướng về chính Thiên Chúa – Đấng là Tình yêu (x. 1Ga 4,16), nghĩa là hoài bão cần khởi đi và hướng đến tình yêu: yêu mình và yêu người.

Với Anrê Phú Yên, dù anh học ở Nhà Đức Chúa Trời, dù anh giúp việc ở cộng đoàn giáo dân nhỏ, dù anh phục vụ bất kỳ ai, anh luôn tự nhủ phải giữ nghĩa cùng Đức Giêsu. Nhờ vậy mà anh tránh được bao cám dỗ: “Tất cả những lợi điểm đó chẳng làm cho thầy có chút vẻ gì là kiêu ngạo hay tự mãn: Thầy coi mình như kém hết mọi người, và không có gì làm cho thầy bằng lòng hơn là được dịp phục vụ người khác.”[4]

2. Anh biết mình là ai và biết mình cần làm gì để thực hiện lý tưởng ấy

Đó là con đường của sự phân định. Quả thật, việc cần làm nhất đối với một người trẻ trước khi vào đời chính là phân định ơn gọi của mình. Đầu tiên, người trẻ cần nhận ra, được làm người đã là một ơn gọi cao quý, vì chúng ta giống Thiên Chúa (x. St 12,1). Tiếp đó, người trẻ Công giáo khi được rửa tội đã nhận lãnh thêm ơn gọi làm Kitô hữu, “là tác phẩm của Thiên Chúa, được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,10). Khi nhận biết được ơn gọi của mình, biết được mình là ai, người trẻ cũng được mời gọi nhận ra mình cần làm gì để hoàn trọn ơn gọi ấy.

Anrê Phú Yên đã nhận biết được Chúa muốn anh dấn thân trong ơn gọi thầy giảng, nên đã toàn tâm toàn ý theo đuổi ơn gọi ấy. Anh biết để thành một thầy giảng thực sự, anh phải học chăm, cả học văn hóa lẫn học thánh khoa. Anh biết để thành một tông đồ thực sự, anh phải rèn giũa tu đức, cả nơi đời sống cộng đoàn Kitô hữu và nơi đời sống với lương dân. Mọi việc anh làm đều quy về hai nhóm hoạt động chính này: học tri thức và học đạo đức.

3. Vun đắp đời sống tâm linh

Con đường phân định lý tưởng và ơn gọi phải được thực hiện liên tục, nhất là trong mọi khoảnh khắc cuộc đời. Để làm được điều ấy, Anrê Phú Yên cho ta hai gợi ý, thiết nghĩ, đây là hai điều căn cốt trong tiến trình phân định thường xuyên: vị linh hướng và cầu nguyện. Ai cũng cần đến một người thầy, dạy chữ và dạy người. Người Kitô hữu cũng cần một vị linh hướng. Đó là người giúp ta nhận biết tiếng Chúa, giống như ông thầy già Êlia đã giúp Samuel nhận ra tiếng Chúa vậy (x. 1Sm 3,3-19). Bên cạnh đó, việc cầu nguyện, xét như cuộc trò chuyện riêng tư giữa bản thân mình với Thiên Chúa, rất quan trọng:“Cầu nguyện cho phép ta chia sẻ với Thiên Chúa mọi điều xảy đến với mình và tín thác trong vòng tay Người.”[5]

Bản thân chân phước Anrê Phú Yên từ khi chịu phép Thanh Tẩy đã luôn đi theo cha Đắc Lộ và thầy Inhaxiô. Với anh, đây là hai vị linh hướng giàu kinh nghiệm tâm linh, đã giúp anh rất nhiều trong việc phân định ơn gọi của mình. Mặt khác, vì luôn xác tín sẽ mãi giữ nghĩa cùng Đức Giêsu, nên trong mọi việc, anh cầu nguyện ơn Chúa và phó dâng vì Danh Thánh Giêsu.

---

Thế hệ Z là nhóm nhân khẩu, gồm những người lớn lên trong bối cảnh tiếp cận với Internet và kỹ thuật số, điện tử từ nhỏ, được sinh ra trong khoảng từ năm 1995 đến 2021. Nếu tính theo tuổi, thì đến năm 2021, nhóm người ấy thuộc phổ tuổi 9-21. Tuy Anrê Phú Yên không sống trong thời đại lên ngôi của Internet và ngành công nghệ-kỹ thuật nhưng bài học của một thanh niên 19 tuổi trước các trào lưu thế tục (ở thời nào thì cũng là trào lưu phản Đức Kito, bỏ Giáo hội và đánh mất căn tính bản thân) vẫn còn đó để ta học hỏi. Mong rằng, các bạn trẻ thuộc thế hệ Z vẫn đọc ra được bài học rất hợp thời về phân định ơn gọi nơi gương chứng tá của Anre Phú Yên, để “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8,39).

[1] Phạm Đình Khiêm, Người chứng thứ nhất, Tinh Việt Văn Đoàn, Sài Gòn, 1959, tr. 92. [2] Phạm Đình Khiêm, Sđd, tr. 148. [3] Phạm Đình Khiêm, Sđd, tr. 156. [4] Phạm Đình Khiêm, Sđd, tr. 80 [5] Christus vivit, số 155.

469 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page