top of page

Frassati, Gonzaga, và bản chất thực sự của sự nổi loạn

Đã cập nhật: 21 thg 1, 2022

Tác giả: Cameron Edman

Người dịch: Maria Hương Quỳnh

Lời giới thiệu của người dịch:

Người trẻ vẫn luôn nổi loạn – đó là điều không thể phủ nhận, và dường như đây là đặc tính riêng biệt nơi người trẻ. Sự nổi loạn nơi người trẻ xấu hay tốt? Theo Cameron Edman, sự nổi loạn ấy cơ bản là tốt, nhưng nó dễ bị điều hướng nghiêng về sự xấu. Vậy đâu sẽ là cách giúp người trẻ nổi loạn một cách thích đáng? Trong bài viết này, tác giả Cameron Edman sẽ giới thiệu hai vị thánh trẻ, mà tác giả xem là mẫu gương cho người trẻ nổi loạn. Từ đó, tác giả sẽ gợi mở cho người trẻ một vài ý để nổi loạn cách thích đáng.

***

Có một sự thật là người trẻ đang dần xa cách Giáo hội. Lý do đằng sau việc họ nổi loạn và rời bỏ Giáo hội lại rất phức tạp. Có vẻ chẳng có ai thấu hiểu được nguyên nhân khiến thế hệ thiên niên kỷ[1] chối bỏ và cắt đứt mọi liên hệ với Hội thánh Công giáo. Bản thân tôi, một người trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ, cũng không thể khẳng định mình biết được lý do, nhưng tôi có suy nghĩ này.

Nền văn hoá thời nay khiến chúng ta phải luôn hoà nhập và theo đuổi các xu hướng thịnh hành và các ý tưởng tân tiến (chẳng hạn như thuyết luân lý tương đối). Chúng ta bị thúc ép phải sống theo một khuôn mẫu nào đó và phải nên giống với người xung quanh, trong cách ăn mặc, nói năng, hành động và quan trọng nhất là trong điều ta tin tưởng. Tại sao người trẻ không nên chịu như thế? Đó là cách thế đơn giản nhất để đối mặt với cuộc sống này và cũng chẳng có mẫu gương thực tế nào để thuyết phục họ rằng nẻo đường chính truyền tôn giáo mới chính là lựa chọn khả thi. Nhưng tôi cho rằng cách nghĩ này đã gây ra những tổn hại tồi tệ đến tâm hồn của người trẻ vốn tự bản tính đã nổi loạn và đề cao chủ nghĩa cá nhân.

Theo quan điểm của tôi, đây chính là mấu chốt của sự mất liên kết giữa họ với Giáo hội. Tôi tin rằng người trẻ cần những mẫu gương Kitô hữu đích thực về lòng đam mê, can đảm và sẵn sàng dâng hiến cả thân mình. Đó sẽ là những mẫu gương giúp nguời trẻ nhận ra đời sống Kitô hữu tuyệt vời và kì diệu đến nhường nào. Nhưng tìm ở đâu những mẫu gương này đây? Thưa, từ chính chúng ta, những người sống đức tin mỗi ngày, từ cách ta sống và yêu thương người khác, nhờ vậy mà ta có được khuôn mẫu thực tế về việc như thế nào là sống cho Chúa.

Chúng ta cũng có thể nhìn vào quá khứ và vào cuộc đời của các thánh nhân. Cụ thể là chân phước Pier Giorgio Frassati và thánh Aloysius Gonzaga, hai vị này có thể để lại ảnh hưởng to lớn trên đời sống của người trẻ ngày nay. Hai vị là những minh chứng tuyệt vời cho lòng vị tha, tận tuỵ, đam mê và niềm vui đi đôi với sự dấn thân trọn vẹn cho Chúa.

Người trẻ ngày nay cần nhận ra rằng lối sống Kitô hữu không chỉ có thể thực hiện được mà còn là minh chứng cho bản tính thực sự của lòng can đảm và sự nổi loạn, vốn là những đặc nét mà tất cả người trẻ vẫn thầm khao khát.


Chân phước Pier Giorgio Frassati

Chân phước Pier Giorgio Frassati, viết tắt là PGF, là đấng mà bạn bè và gia đình tôi thường nhắc đến với lòng yêu mến, cho ta một trong những mẫu gương vĩ đại nhất về một người trẻ say mê sống đời Kitô hữu. Nhiều khi chúng ta dường như thần thánh hoá các vị thánh quá mức nhưng PGF lại chính là một mẫu gương ưu tú về một vị thánh đời thường đã sống một cuộc đời phi thường giữa những hoàn cảnh tầm thường.

Ngài là một người có tính cách năng động và hướng ngoại, cũng là một sinh viên thích tổ chức những chuyến leo núi và cắm trại ở dãy Alpes Thuỵ Sĩ cùng nhóm bạn của mình. Ngài cũng là người chủ trì những buổi cầu nguyện, khuyến khích bạn bè tham dự thánh lễ và cùng với họ gắng sức phục vụ người nghèo tại Turin, nước Ý.


Thay vì sống cuộc đời giàu có và an nhàn, chân phước Pier tìm thấy hạnh phúc đích thực từ các thánh lễ hằng ngày, từ việc lần chuỗi Mân Côi, chầu Thánh Thể và từ việc giúp đỡ người nghèo ở Turin. Những việc đó hoàn toàn không nhờ đến sự hỗ trợ hay hướng dẫn nào từ bố mẹ, những người đã thúc đẩy ngài tiếp quản toà báo mà bố ngài thành lập. Nhưng sâu thẳm trong lòng, thánh Pier Giorgio đã xác định mục đích cao cả của cuộc đời mình không chỉ quẩn quanh với tiêu xài tiền của hay có được quyền lực. Ngài từng viết rằng: “Sống mà không có đức tin, không có điều quý giá nào để bảo vệ, không có đấu tranh bền bỉ cho chân lý, thì đó không phải là sống, mà chỉ là đang tồn tại.”

Bằng cuộc đời nhiệt thành, đức hạnh và thích phiêu lưu, chân phước Pier Giorgio mang đến một mẫu gương về cách giới trẻ ngày nay có thể được thỏa lòng trong khi vẫn nỗ lực làm vui lòng Chúa thay vì con người. Dù không phải là người thành lập một dòng tu hay đóng góp các tác phẩm nghiên cứu thần học cho Hội thánh, nhưng ngài đã sống cuộc đời anh dũng bằng việc mỗi ngày chọn cố gắng vì Nước Trời. Người trẻ ngày nay cũng cần học theo gương can đảm và vui tươi của thánh nhân để chính họ cũng có thể vươn đến những điều cao cả. Khi ngày nay người trẻ đang bị cám dỗ bám chấp vào của cải trần gian và cố sống hòa hợp với thế gian, Pier Giorgio nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được dựng nên cho những điều cao cả hơn và chúng ta có thể sống thánh thiện trong thời hiện đại này.

“... Pier Giorgio là liều thuốc giải độc cho các mầm bệnh trong nền văn hoá trẻ của chúng ta,” Christine Wohar (người thành lập tổ chức FrassatiUSA) đã chia sẻ như thế và được Emily Stimpson Chapman dẫn lại.

“Ngài không bận tâm đến ý nghĩa của một nơi chốn an toàn, ngài có mọi thứ - của cải, đặc quyền, ngoại hình – nhưng ngài luôn bước ra khỏi sự thoải mái của mình để phục vụ người nghèo và người bệnh tật. Ngài biết rằng tiền không thể mua được bình an thật sự mà chỉ mang đến những điều trái ngược.”[2]



Thánh Aloysius Gonzaga

Thánh Aloysius Gonzaga có một vị trí quan trọng trong lòng một cựu sinh viên của đại học Gonzaga (Go Zags!) là tôi đây. Tôi tin rằng câu chuyện cuộc đời của thánh nhân sẽ là ví dụ tiêu biểu cho cách người trẻ thực sự khao khát sống nhiệt thành, can trường và với một chút nổi loạn thúc đẩy họ tìm kiếm Chúa.

Từ rất sớm Aloysius đã dâng mình sống cầu nguyện và sám hối. Như chân phước Pier Giorgio Frassati, thánh Gonzaga đã từ chối tài sản của cha mình và chọn dấn thân phụng sự Chúa. Và cũng tương tự như chân phước PGF, thánh Gonzaga lớn lên mà không nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng nào. Khi thánh nhân gia nhập Dòng Tên, ngài mới thực sự nhận ra rằng lối sống đi vào chiều sâu tâm linh dễ thực hiện hơn so với những thực hành tâm linh mà ngài đã áp dụng.



Người trẻ thời hiện đại có xu hướng học đòi điều này điều nọ và tránh né việc đi sâu vào những gì khiến họ tốn nhiều thời gian hoặc mất cả đời. Nhưng thánh Aloysius đã diễn tả được phương thức xả thân cho những nỗ lực xứng đáng và cho sự trải nghiệm cuộc sống đích thực mà Chúa dành cho ta. Ngài qua đời ở tuổi 22, sau khi nhiễm phải căn bệnh của một bệnh nhân mà ngài đang chăm sóc trong một cơn dịch ở Rôma. Cuộc đời ngắn ngủi của ngài lại là một ví dụ về sự ảnh hưởng mà một người có thể tạo ra nếu họ có thể thủ đắc được nhân đức anh hùng nhờ sống tương quan với Chúa.


Nỗ lực cho điều cao cả hơn

Cả Frassati và Gonzaga đều mang đến câu trả lời cần thiết cho giới trẻ ngày nay. Đây là hai người trẻ đầy sức sống, cuốn hút và năng động, có thể có được mọi thứ trong tầm tay nhưng họ đã chọn cuộc sống hy sinh và thánh thiện thay vì tìm kiếm của cải trần thế. Tại sao họ lại làm như vậy? Phải chăng họ đã tìm thấy điều gì đó có thể làm họ được thỏa lòng hơn, được hoan lạc hơn và nên anh dũng hơn là những gì thế gian này có thể đem lại?

Chúng ta, những người trẻ, cho rằng ta mong muốn cuộc đời giản đơn và thư thái, nhưng sâu trong tim, ta lại thực lòng ước ao được sống phiêu lưu, nhiệt huyết, can đảm và kỉ cương. Thế hệ thiên niên kỷ này muốn là một phần của điều gì đó quan trọng, vĩ đại và muốn có được cảm giác thuộc về một cộng đồng những người cùng chí hướng với mình. Chúng ta cần được thử thách, được chỉ bảo đâu là sự thật, là điều đúng đắn, là điều tốt đẹp, và cần được trang bị về mặt tâm linh để có thể vươn dậy và nỗ lực sống thánh thiện, đây mới thực là cố gắng sau hết của cuộc đời. Thái độ cố gắng vươn đến những mục tiêu cao hơn này ngày nay có thể lôi cuốn người trẻ trở về với Giáo hội, nếu ta tiếp tục kiên định trong việc loan truyền thái độ ấy.



Đó là lý do chân phước Pier Giorgi Frassati và thánh Aloysius Gonzaga có thể trở nên những yếu tố chính trong cuộc chiến giành lấy trái tim của thế hệ thiên niên kỷ này. Các ngài đã sống một cuộc đời sống động, anh hùng, xả kỷ và mang tính cách mạng, dưới ánh sáng Tin Mừng, mang theo lòng vị tha và lối sống đầy hiên ngang, anh dũng, niềm hoan lạc và sự thỏa lòng của họ là điều không thể phủ nhận bất kể mọi đau đớn và khó khăn. Các ngài đã lựa chọn Hội thánh Công giáo, thay vì ở lại với những cơ hội tìm kiếm lạc thú trần thế. Tôi tin rằng mẫu gương của các ngài cùng hành trình và cùng đích cuộc đời mà các ngài đã khám phá ra nơi lòng Giáo hội chính là điều có thể ảnh hưởng và thu hút người trẻ đến với Công giáo.

Vấn đề hiện nay chính là việc xã hội hiện đại nói với người trẻ rằng khát khao theo đuổi thiên đàng một cách anh dũng vẫn ở sâu thẳm trong tim ta sẽ được thành toàn cách tốt nhất nhờ việc ta đáp ứng các nhu cầu của riêng mình. Nhưng trong khi xã hội thế tục đang quyến rũ người trẻ bằng lời hứa hẹn sự thành công giữa đời và mang lại cảm thức thuộc về, thì Giáo hội lại thất bại trong việc kiên định cổ võ một lối sống cao cả hơn, dựa trên gương mẫu của các thánh. Nếu vậy thì tại sao ta lại bất ngờ khi người trẻ dần chối bỏ đạo Công giáo và chọn tạo ra ‘tôn giáo’ cho riêng mình?


Sự nổi loạn đích đáng

Tiến sĩ Peter Kreeft từng nói: “Trong thời đại mà mọi truyền thống đều bị vứt bỏ, thì sự nổi loạn khả thi duy nhất chính là sự chính thống.”

Người trẻ thường có xu hướng nổi loạn. Khi họ được bảo làm gì, một cách tự nhiên họ sẽ không chịu làm cho đến khi chính họ sẵn lòng tự làm việc đó. Tôi nghĩ điều này cần được xem xét như là yếu tố chi phối cách Công giáo tiếp cận người trẻ.

Nếu người trẻ không hài lòng với những gì thế giới này đem lại (và tôi nghĩ tận sâu đáy lòng, người trẻ đều cảm thấy như vậy), thì sự chính thống trong Hội thánh Công giáo chính là cuộc nổi dậy sau cùng chống lại những gì chúng ta được bảo là quan trọng. Chân phước Frassati và thánh Aloysius đều mang đến những ví dụ chân thật và gần gũi cho kiểu nổi loạn này. Họ là mẫu gương cho cách mà Giáo hội đã tồn tại trong suốt hơn 2,000 năm chịu công kích và đương đầu với dị giáo – đó là nhờ việc nổi dậy chống lại những xu hướng chóng qua của xã hội hiện đại và kiên bền với những chân lý mà Thiên Chúa đã mạc khải qua Hội thánh Công giáo. Chân lý không bao giờ thay đổi. Phải có nhiều người trẻ hơn cần biết đến điều này.



Hơn cả sống tử tế

Đi đôi với cuộc nổi loạn của những ý niệm xã hội trong lịch sử Giáo hội, một ý tưởng cần phải được nhấn mạnh liên tục chính là cuộc nổi dậy này chối từ cả việc sống “tử tế” xét như là mục đích của đời sống tâm linh. Để giữ gìn trật tự và hoà bình trong xã hội, chúng ta được dạy phải sống “tử tế” và phải sống mà không làm tổn thương cảm xúc của bất kì ai hoặc không xù lông quá mức.

Nhưng sẽ không có điều gì lớn lao có thể hoàn thành được nếu ta chỉ đơn giản sống “tử tế”. Nhìn vào gương các thánh nhân năm xưa – Gioan Tẩy Giả, Phêrô và Phaolô, Gioanna xứ Arc, Tôma Môrô, và cả Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II – tất cả các ngài đều kiên cường đương đầu với quỷ dữ và sự bách hại, nhất là các ngài vẫn giữ được niềm trông cậy nơi Thiên Chúa. Họ chống lại các nhà cầm quyền, vua chúa, các quốc gia và các dị giáo để loan truyền chân lý và tận hiến cả mạng sống mình cho mục đích cao cả hơn mà các ngài xác tín. Liệu họ có thể làm được những điều đó nếu họ chỉ đơn thuần sống “tử tế?” Đây là những thái độ mà người trẻ cần biết đến nhiều hơn trong thời đại ngày nay. Xã hội muốn con người tin rằng một đời sống nhiệt thành và mang tính cách mạng là điều bất khả thi trong đời sống tôn giáo nhưng lịch sử Giáo Hội và vô số mẫu gương thánh nhân lại thể hiện điều ngược lại.

Thậm chí một số tín hữu Kháng Cách có vẻ cũng đồng tình với những ý kiến này. John Eldredge, một tác giả thuộc phái Kháng Cách và chủ tịch tổ chức Ransomed Heart Ministries, đã đề cập đến vấn đề nóng bỏng này trong quyển Desire (trang 278) của mình rằng:

“Kitô giáo đã phát triển đến mức khiến ta tin rằng không có khát vọng nào cho tâm hồn con người lại lớn hơn việc khát mong sống tử tế. Chúng ta đang tạo ra một thế hệ những người nam người nữ mà nhân đức cao cả nhất của họ chính là việc họ không xúc phạm người khác. Và rồi ta thắc mắc tại sao lại không có nhiều sự nhiệt thành vì Đức Kitô hơn. Làm sao mà ta có thể khao khát sự công chính nếu như ta kìm nén những khao khát đó? Như C.S. Lewis đã nói: ‘Chúng ta thiến con ngựa rồi lại bắt nó sinh con.’”



Một cuộc đời chân thực và phiêu lưu

Tôi nghĩ đây là một thời điểm vô cùng khó khăn để sống trong tư cách một tín hữu Công giáo. Những áp lực xã hội và các cuộc bách hại ẩn tàng vẫn còn đầy rẫy và xem chừng sẽ dễ dàng hơn bao giờ nếu chỉ lướt qua cuộc đời này mà không cần thực sự sống vì một mục đích cao cả hơn. Và dù người trẻ bộc lộ rằng họ muốn sống cuộc đời dễ dàng và thoải mái, thì nơi thâm tâm, họ đang mong đợi một chuyến phiêu lưu – một điều gì đó để tin tưởng và hiểu thấu.

Chân phước Pier Giorgio Frassati và thánh Aloysius Gonzaga là những mẫu gương tuyệt hảo cho người trẻ ngày nay nhìn vào và học hỏi. Một mặt các ngài luôn khước từ của cải trần gian, mặt khác các ngài vẫn tận hiến cuộc đời mình cách nhiệt thành và nổi loạn chỉ để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ mọi người, cùng để bày tỏ chân lý của Hội thánh Công giáo. Nhờ lời chuyển cầu của các ngài, ước mong người trẻ ngày nay cũng có thể được truyền cảm hứng để làm những việc tương tự như thế.

[1] Nguyên văn: the millennial generation. Thế hệ thiên niên kỷ, hay thế hệ Y (Generation Y) là nhóm nhân khẩu gồm những người sinh ra trong giai đoạn 1980-2000. Sở dĩ thế hệ này được gọi như thế là vì họ được sinh ra trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỷ. (Người dịch) [2] https://www.ncregister.com/features/blessed-pier-giorgio-frassati-a-saint-of-lofty-goals

85 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page