top of page

Thánh Gioan Bosco, Giáo Dục và Giới Trẻ Ngày Nay

Tác giả: Ramon Antonio A. Aldana

Người dịch: Quân Phạm


Liệu ý tưởng của một vị thánh ở thế kỷ XIX, nổi tiếng với việc hoạt động với giới trẻ, có thể cho thấy gì đó phù hợp với các nhà giáo dục của thế kỷ XXI hay không?


Don Bosco và Người Trẻ

Ngày 31 tháng 1 hằng năm là ngày Giáo hội mừng lễ thánh Gioan Bosco. Ngài qua đời ngày 31 tháng 1 năm 1888. Trong Giáo hội, ngài được biết đến như là Cha và là Thầy của Giới trẻ. Ngài là đấng sáng lập dòng Salêdiêng Don Bosco (tên chính thức là Hội dòng của thánh Phanxicô Đệ Salê) và cũng người sáng lập các tổ chức thành viên khác trong Gia đình Salêdiêng rộng lớn.

Don Bosco (“don” là một kính ngữ trong tiếng Ý thường được dùng để gọi các linh mục) sống trong giai đoạn nước Ý vẫn còn bị chia cắt thành nhiều vương quốc và có làn sóng phát triển của thời đại Công nghiệp đang dần xâm chiếm nhiều thành phố hiện đại trên thế giới. Ngài đã dành cuộc đời mình để dấn thân trọn vẹn cho lợi ích của người trẻ. Ngài thành lập các trường học, trung tâm thanh thiếu niên, trường nghề, trung tâm truyền giáo và thậm chí còn dấn thân trong việc xuất bản sách với mục đích duy nhất là đào tạo người trẻ trở thành những Kitô hữu tốt và công dân ngay thẳng. Trong thời kỳ mà người trẻ trở thành nạn nhân của việc bị bóc lột tại nơi làm việc và không được Giáo hội coi trọng, Don Bosco đã bắt đầu sứ vụ tông đồ vĩ đại của mình giữa họ.

Một trong những đóng góp quan trọng của Don Bosco được đặt nơi lãnh vực giáo dục. Khi làm việc với người trẻ, ngài đã theo đuổi một hệ thống giáo dục đặt nền tảng trên các trụ cột sau: Lý do, Lòng nhân ái và Tôn giáo.



Trụ cột đầu tiên: Lý do

Trụ cột đầu tiên trong hệ thống giáo dục của ngài là Lý do. Thánh Gioan Bosco vững tin rằng người trẻ phải biết các lý do đứng sau mọi quy tắc trong một tổ chức giáo dục. Ngài không đào tạo ra một binh đoàn học sinh chỉ đơn giản răm rắp tuân theo nội quy trường học vì sợ hãi hay vâng lời mù quáng. Ngài muốn các bạn trẻ nhận ra rằng các quy định của bất kỳ một cơ sở giáo dục nào cũng đều ẩn chứa một tinh thần quan tâm học sinh thực sự. Nếu học sinh có thể hiểu được tinh thần này, thì các em sẽ trưởng thành trong lựa chọn nghe theo sự hướng dẫn của nhà trường và giáo viên.

Khi tiếp cận với người trẻ của thế kỷ XXI, việc sử dụng lý trí trong giáo dục có nghĩa là khuyến khích một nền văn hóa đối thoại với họ. Người trẻ không phải là người thụ động tiếp nhận tất cả mọi điều mà các nhà giáo dục nói với họ. Họ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe.



Một nhà giáo dục biết dùng đến lý do trong lớp học của mình sẽ tạo ra bầu khí để các học sinh hòa nhập. Nhà giáo ấy sẽ tạo ra một môi trường, nơi người trẻ có thể tự do thể hiện bản thân trong khi vẫn tôn trọng người lớn và bạn bè đồng trang lứa. Người trẻ sẽ không chỉ được yêu cầu tuân theo các quy tắc; họ còn được mời gọi hiểu được tinh thần đằng sau các quy tắc ấy. Để tạo ra bầu khí hòa nhập và đối thoại này, các nhà giáo dục nên dành thời gian để tìm về những người trẻ mà họ đang tiếp cận.

Trong khi việc nghiên cứu về văn hóa giới trẻ có thể là một công cụ hữu ích cho các nhà giáo dục, thì thánh Gioan Bosco tin rằng cách tốt nhất để hiểu người trẻ là trực tiếp dành thời gian cho họ và hiện diện cách sống động trong cuộc sống của họ. Điều này đòi hỏi các nhà giáo dục không chỉ được tìm gặp trong văn phòng của họ mà thôi. Họ phải sẵn sàng đồng hành với người trẻ trong lúc rảnh rỗi và hòa mình vào văn hóa giới trẻ.


Trụ cột thứ hai: Lòng nhân ái

Yếu tố thứ hai trong hệ thống của Don Bosco là Lòng nhân ái. Ngài muốn các nhà giáo dục tạo ra một bầu khí gia đình trong các cơ sở giáo dục của mình, nơi mà sự tin tưởng, sự quan tâm và cảm thức chia sẻ trách nhiệm với nhau được thăng tiến. Ngài tin rằng khi người trẻ được đối đãi bằng tình yêu thương và sự tử tế, họ sẽ cởi mở hơn trong học tập.



Don Bosco thường nhắc nhở các cộng sự viên của mình, “hãy yêu điều giới trẻ yêu và họ cũng sẽ yêu điều bạn yêu”. Với lời khuyến khích này, ngài động viên những người đi theo mình học cách trở thành bạn hữu thực sự với người trẻ bằng cách quan tâm đến những điều người trẻ quan tâm. Đó là lý do tại sao không có gì ngạc nhiên khi thấy trong các trường học Salêdiêng, các linh mục, tu huynh, nữ tu và giáo viên ở trên các sân chơi và hòa làm một trong sự trẻ trung của họ. Bằng cách này, một mối tương quan tin tưởng được nảy sinh. Người trẻ sẽ nhận ra rằng các nhà giáo dục của họ thực sự quan tâm đến họ. Và với nhận thức này, họ sẽ dần bắt đầu hứng thú với việc có ý thức kỷ luật và ham học hỏi.

Nền giáo dục của thế kỷ XXI đang dần bị định hướng bởi công nghệ. Tuy nhiên, bất chấp sự tiến bộ của công nghệ, các chuyên gia giáo dục cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong quá trình học tập của giới trẻ không thực sự dựa vào các tiện ích công nghệ cao mà người ta có thể thấy trong trường học. Nó vẫn dựa trên mối tương quan vững chắc giữa thầy và trò. Chính trong tương quan này, hệ thống giáo dục của Gioan Bosco trở nên phù hợp. Đằng sau tất cả các tiện ích mà ta thấy trong các trường học ngày nay, người trẻ vẫn tìm kiếm các giáo viên truyền cảm hứng cho niềm tin và tình yêu của họ.


Trụ cột thứ ba: Tôn giáo

Yếu tố thứ ba trong hệ thống của Gioan Bosco là Tôn giáo. Rõ ràng, là một người con trong Giáo hội, ngài đã tích hợp việc thực hành tôn giáo vào hệ thống giáo dục của mình. Trong các bài nói chuyện với học trò của mình, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thường xuyên rước lễ và xưng tội. Ngài nhận thấy sức mạnh của các bí tích này trong việc giúp một người trẻ có được cảm giác bình an và sự định hướng trong cuộc sống. Don Bosco đã dựa trên sự phong phú của đức tin Công giáo trong việc hình thành cho học trò của mình ý thức trách nhiệm với người khác và với xã hội. Ngài muốn các em lớn lên với tư cách là những đứa con trung tín của Giáo hội nhờ việc thực hành đức tin trong thế giới mà chúng sẽ dấn thân khi trưởng thành.

Đang khi có một phong trào trong xã hội ngày nay muốn loại bỏ Thiên Chúa khỏi các vấn đề nhân sinh, thì các chuyên gia giáo dục lại đồng tình rằng người trẻ cũng nên được dạy cách trân quý cảm thức thiêng liêng trong cuộc sống của bản thân. Điều này có nghĩa là dẫn dắt người trẻ đến với một hữu thể và sức mạnh siêu nhiên trong cuộc sống của họ. Trong một xã hội tràn lan chủ nghĩa vật chất, hệ thống giáo dục của thánh Gioan Bosco lại trao cho người trẻ một linh đạo mà người trẻ có thể bám vào khi bước vào năm tháng trưởng thành.



Liệu điều này có nghĩa là một giáo viên cần phải dạy những điều cơ bản của niềm tin Công giáo cho người trẻ không? Không hẳn vậy. Trong các trường học không theo giáo phái nào, nơi mà các giáo lý tôn giáo không nằm trong chương trình giảng dạy, các nhà giáo dục có thể giúp học sinh gặp Thiên Chúa bằng cách khơi dậy trong chúng cảm giác kính sợ; chẳng hạn trong một lớp học văn chương hoặc nghệ thuật. Các thầy cô cũng có thể khắc sâu ý thức liên đới, tình huynh đệ thông qua các bài học trong các môn xã hội. Các thầy cô cũng có thể giúp học sinh nhận ra một sức mạnh thánh thiêng cai quản thế giới trong các bài học khoa học mà họ thảo luận. Việc sử dụng tôn giáo trong giáo dục có thể được nhìn nhận ở góc độ rộng hơn của việc cung cấp cho học sinh những công cụ để nhận chân sự hoạt động của Thiên Chúa hoặc một sức mạnh thiêng liêng trong thế giới.


Các ý tưởng từ thế kỷ XIX

Ý tưởng của thánh Don Bosco có thể đã được thực hành trong thế kỷ XIX, nhưng chúng rất phù hợp với nhu cầu giáo dục của giới trẻ ngày nay. Khi người trẻ thấy tiếng nói của họ cần được lắng nghe và thấu hiểu, Lý do có thể giúp nhà giáo dục có phương thế tạo ra các lớp học thúc đẩy đối thoại và hòa nhập. Khi học sinh thấy cần đến một người lớn mà chúng có thể tin tưởng và mở lòng, thì Lòng nhân ái có thể giúp giáo viên tạo ra một bầu không khí nơi người trẻ thấy bản thân được quan tâm và yêu thương. Khi người trẻ tìm kiếm một Đấng Thánh để hướng dẫn họ trong cuộc sống, thì việc sử dụng Tôn giáo có thể thúc đẩy một cảm thức tâm linh lành mạnh, nơi họ có thể thực sự tìm thấy ý nghĩa trong sự thiêng liêng.

Lý do, Lòng nhân ái và Tôn giáo. Các ý tưởng trong thế kỷ XIX từ một vị thánh sống ở thế kỷ XIX. Tuy nhiên, Don Bosco và hệ thống giáo dục của ngài vẫn còn phù hợp với tất cả các nhà giáo dục và giới trẻ ngày nay.


276 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page