top of page

Thánh Nicholas, Ông già Noel và chúng ta

Mạnh T. Nam


Ông già Noel là ai? Ông có liên hệ gì đến thánh Nicholas [phiên âm tiếng Việt: Ni-cô-la]? Và với người tín hữu Công giáo, khi mừng lễ Giáng sinh, ta cần nhắc đến Ông già Noel hay thánh Nicholas?


Ông già Noel thánh Nicholas

Hiện nay, việc tìm kiếm lai lịch của Ông già Noel khá dễ dàng. Những nguồn thông tin được đề xuất cho bạn trên Internet tựu trung lại cũng chỉ quanh quẩn vài thông tin thế này. Ông già Noel, còn gọi là Santa Claus, là một ông già vui vẻ, có bộ râu trắng, luôn mặc chiếc một bộ đồ màu đỏ; cứ vào đêm Giáng sinh, ông sẽ đi đến các gia đình có trẻ em, đi vào nhà từ ống khói, để quà dưới chân cây thông hoặc bỏ qua vào các chiếc tất mà các em đã để sẵn. Những nguồn thông tin này đều cùng khẳng định, Ông già Noel chính là hình ảnh được họa lại của thánh giám mục Nicholas.

Saint Nicholas - Tranh của Jaroslav Čermák

Giám mục Nicholas (Giáo hội Công giáo mừng kính ngài vào ngày 06 tháng Mười Hai hằng năm) được cả Giáo hội Chính thống Đông phương và Giáo hội Công giáo tôn kính. Các Kitô hữu thuộc Giáo hội Chính thống Đông phương biết đến ngài với tên gọi “Nicholas người tạo ra những kỳ công”. Ngài nổi tiếng vì đã cứu các trẻ em khỏi bị sát hại và biến thành các miếng thịt bởi một tay đồ tể hung bạo, vì đã cứu ba phụ nữ trẻ khỏi con đường bán thân, vì đã hóa ra nhiều lương thực cứu giúp người trong một nạn đói, vì đã hướng dẫn các thủy thủ cập bến an toàn, v.v..

Còn Giáo hội Công giáo vẫn kể cho con cái mình cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Nicholas với Arius tại Công đồng Nicea (325). Arius đã phủ nhận thiên tính của Đức Giêsu, chỉ xem Đức Giêsu như là một thụ tạo. Tại Công đồng Nicea, thánh Nicholas, cùng nhiều giám mục khác, đã tranh luận gay gắt với nhóm của Arius. Cuối cùng, lạc thuyết của Arius bị kết án. Công đồng Nicea đã ủng hộ lập luận của Nicholas trong cách lý giải về bản tính của Đức Kitô.


Ông già Noel vs. thánh Nicholas

Danh xưng Santa Claus ngày nay nhiều nước phương Tây dùng để gọi Ông già Noel vốn xuất phát từ chính tên gọi Nicholas. Theo đó, người Hà Lan phát âm từ Saint Nicholas là Sint Nicholaas, dần chệch thành Sinterklaas và sau là Santa Claus. Còn hình ảnh Ông già Noel hiện nay, với gương mặt tươi vui, có một bộ râu trắng, và mặc một bộ đồ đỏ, được dùng lần đầu vào những năm 1920 bởi công ty Coca Cola (người ta còn tin rằng Ông già Noel mặc đồ đỏ là vì đỏ là màu của Coca Cola). Và từ thời điểm đó, Ông già Noel, một biểu tượng thương mại của Coca Cola, trở nên phổ biến ở khắp nơi.

Nguồn ảnh: coca-colacompany.com

Như vậy, thánh Nicholas – một giám mục – sau này được gọi bằng Santa Claus không giống như Ông già Noel mà ngày nay ta vẫn thấy. Santa Claus hay thánh Nicholas vốn là một giám mục, nổi tiếng là người yêu thương và bênh đỡ các trẻ em; còn Ông già Noel lại là một biểu tượng thương mại. Điều này liệu có ý nghĩa gì với các tín hữu Công giáo chúng ta ngày nay không? Ở đây, tôi mạn phép được chia sẻ suy nghĩ này.

Sử liệu Công giáo không ghi lại việc thánh Nicholas đã mặc đồ đỏ, cưỡi cỗ xe tuần lộc đi xuyên qua các đám mây, rồi chui vào nhà dân qua các ống khói để tặng quà cho trẻ em. Điều Giáo hội Công giáo nhìn nhận chỉ là vị giám mục này, được sinh ra tại Myra thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, đã đứng ra bảo vệ mầu nhiệm Đức Kitô và con người, không chỉ riêng trẻ em, như thế nào.

Người Công giáo khắp nơi, mỗi năm khi mừng lễ Giáng sinh, đều cần chọn đứng về một bên: Ông già Noel – biểu tượng thương mại, hay thánh Nicholas – biểu tượng đức tin Kitô giáo. Điều tôi muốn nói ở đây, không phải là chuyện ra đường giật sập các hình ảnh về Ông già Noel rồi dựng tượng ảnh thánh Nicholas; nhưng chính là thái độ ăn mừng ngày lễ của chúng ta: theo tinh thần thánh Nicholas hay theo tinh thần Ông già Noel.

Nền văn hóa đại chúng vẫn thể hiện thái độ ủng hộ việc tổ chức ngày lễ này, nhưng trong tư cách là một lễ hội mùa đông, hơn là mừng kính biến cố Đức Kitô nhập thể. Nền văn hóa đại chúng dùng dịp này để thúc đẩy thương mại. Ta không khó để nhận ra đây là dịp để nhiều doanh nghiệp ‘dọn kho’, để ‘sale sập sàn’; và do đó, đây cũng là dịp để các khách hàng ‘săn sale’, mua được những món hàng mình yêu thích với giá hời hơn. Thị trường dịp này bao giờ cũng sôi động hơn hẳn. Các hoạt động thế tục, nghĩa là chúng đã loại bỏ tính cách thánh thiêng của ngày lễ và quy giản chỉ còn là chuyện vật chất, đã ít nhiều lôi kéo nhiều tín hữu Công giáo, cách riêng là các bạn trẻ, từ chối các thực hành phụng tự Công giáo. Nhiều người dần xem nhẹ việc tham dự thánh lễ Giáng sinh, đến thăm máng cỏ không phải để cầu nguyện mà để chụp ảnh, dự các buổi diễn nguyện không phải để nguyện cầu nhưng để thưởng thức âm nhạc, v.v..


Tranh về các phép lạ do thánh Nicholas thực hiện - Nguồn ảnh: Wikipedia

Từ trái sang: Thánh Nicholas cho ba đứa trẻ bị sát hại sống lại; Thánh Nicholas cứu sống ba người vô tội; Thánh Nicholas tặng của hồi môn cho ba thiếu nữ nghèo


Còn chúng ta?

Trong bối cảnh đó, con cái Giáo hội được mời gọi trở thành một Nicholas khác, thành một Kitô hữu mang tinh thần của thánh Nicholas để bảo vệ mầu nhiệm Đức Kitô nhập thể, để cứu lấy lễ Giáng sinh huyền nhiệm. Dưới đây xin gợi ý một số việc người tín hữu Công giáo, cách riêng là các bạn trẻ, có thể dễ dàng thực hiện.

Tham dự thánh lễ Giáng sinh cách sốt sắng.

Thánh lễ là trung tâm điểm đời sống đức tin của người Công giáo. Người Công giáo sẽ không bao giờ trả lời những chất vấn về đức tin của mình cách trọn vẹn nếu ta xem nhẹ giá trị của Thánh lễ. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một …” (Ga 3,16). Như thế, việc cử hành thánh lễ Giáng sinh bên ngoài là mừng biến cố Nhập thể, nhưng sâu bên trong là tôn vinh Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại.

Hòa giải với Chúa nơi bí tích Hòa giải.

Khi đến báo tin cho các mục đồng, sứ thần đã cất tiếng ngợi khen: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Quả thực, Đức Giêsu, hoàng tử hòa bình, nhập thể để đem lại bình an đích thực cho nhân loại. Một con đường vững chắc giúp ta đạt được bình an ấy chính là bí tích Hòa giải. Bí tích này không chỉ giúp ta hòa giải với Thiên Chúa, mà còn giúp ta làm hòa với chính mình, với tha nhân, với tạo vật. Khi đã làm hòa với Thiên Chúa, chính mình, tha nhân, vạn vật, ta mới có thể trở thành khí cụ hòa bình của Thiên Chúa.

Cầu nguyện với Hài nhi Giêsu nơi máng cỏ bò lừa.

Máng cỏ bò lừa, nơi Đức Mẹ hạ sinh Đấng Cứu Thế, ta vẫn quen gọi là hang đá, là một hình ảnh, một nơi chốn gắn liền với việc mừng lễ Giáng sinh. Trong Tông thư Admirabile signum [Dấu chỉ tuyệt vời], Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Hang đá là một phần của quá trình quý giá và đòi hỏi của việc loan truyền đức tin. […] Điều quan trọng là nó nói với cuộc sống của chúng ta” (số 10). Quả thật, chính hang đá kể ta nghe câu chuyện về tình yêu Thiên Chúa, rằng hạnh phúc nhân loại hệ tại nơi tình yêu này. Do đó, thật thích hợp khi ta dành thời gian kính viếng hang đá, chiêm ngắm và suy niệm tình yêu Thiên Chúa.

Cầu nguyện bằng lời ca tiếng hát.

Thánh Augustine từng nói: “Bis orat qui bene cantat” [Người hát tốt là người cầu nguyện hai lần]. Việc “bene cantat” thánh nhân nhắc đến không phải là chuyện kỹ thuật xướng ca, nhưng là lòng thành kính được đặt nơi từng câu chữ lời ca. Người Công giáo vẫn có truyền thống tốt đẹp là tổ chức các buổi diễn nguyện vào chính đêm Giáng sinh hoặc trước đó vài ngày. Trong hoàn cảnh phức tạp của dịch bệnh, nhiều nơi còn tổ chức các buổi diễn nguyện trực tiếp. Đây là dịp tốt để các tín hữu Công giáo cất lên lời ca vang hân hoan để tôn vinh Chúa.

Dành thời gian cho gia đình.

Thánh Giuse và Đức Maria là hai người đã cộng tác bằng cả sức lực, trí khôn, tấm lòng trong mầu nhiệm Nhập thể. Do đó, mầu nhiệm Nhập thể không thể tách rời hình ảnh Thánh Gia thất. Nếu gia đình đầu tiên của Adam và Eva đã bị phá vỡ bởi tội lỗi, thì nay gia đình thánh của Giuse, Maria sẽ mãi trường tồn nhờ Hài nhi Giêsu. Thông điệp này còn nhắc nhở người tín hữu Công giáo cần dành thời gian cho gia đình, để hun đúc tình cảm giữa các thành viên và cùng nhau, gia đình tạ ơn và chúc tụng Chúa.

***

Đối với người Công giáo, thánh Nicholas không chỉ là người đã thực hiện nhiều việc kỳ diệu, nhưng còn lại việc ngài luôn ở trong Giáo hội, đã luôn bảo vệ mầu nhiệm Đức Kitô. Ta được mời gọi chọn thái độ mừng lễ của thánh Nicholas, chọn đứng về phía Đức Giêsu – niềm vui vĩnh cửu, thay vì vui vẻ phút chốc với Ông già Noel.



* Đức cha Antonio Stagliano, giáo phận Noto (Ý quốc), nói về Ông già Noel: Giám mục Staglianò giải thích về lời tuyên bố “không có ông già Noel” của ngài - Phanxicô (phanxico.vn)

* Về biểu tượng Ông già Noel, xem thêm tại:

149 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page