top of page

Thế hệ Y vs. Thế hệ Z: Thế hệ Y làm mục vụ cho Thế hệ Z

Tác giả: Lm. George Elliott

Người dịch: Quốc Trọng


Một trong những thời điểm mà tôi thấy mình thật nhỏ bé khi thi hành thừa tác vụ của mình chính là vào năm 2018; lúc đó tôi buộc phải giao lại việc điều hành kênh truyền thông tuyên úy sinh viên đại học cho một thực tập sinh. Điều khiến tôi thấy mình thật nhỏ bé không phải là việc tôi phải giao phó công việc đó cho người khác cho bằng việc cô thực tập sinh ấy giỏi hơn tôi nhiều. Trước đó, tôi và vị tác viên chăm lo cho các sinh viên thuộc thế hệ Y đang vận hành kênh truyền thông xã hội của mình. Tôi tự nhủ, “Chúng tôi biết mình đang làm gì. Vị tác viên của tôi là một phụ nữ trẻ vui tính. Tôi đã khởi xướng một công ty truyền thông Công giáo và chúng tôi là một nhóm làm việc rất hiệu quả!” Do sức ép tài chính và do việc luân chuyển công việc, chúng tôi phải để cho cô tác viên ấy ra đi, và tôi mất đi cánh tay phải giúp điều hành kênh truyền thông của chúng tôi. Vì vậy, để tránh cho điều xấu nhất xảy ra, tôi đã thuê một thực tập sinh để chăm lo cho kênh truyền thông này. Ngay từ tuần đầu tiên, cô ấy đã kiểm soát mọi thứ, lượt tiếp cận và tương tác đã lên đến hơn 500%. Đúng vậy, 500% ngay từ tuần đầu tiên.

Câu chuyện thực tế này minh họa cho kinh nghiệm của tôi trong việc mục vụ cho các em thuộc thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z.[1] Dù tất cả chúng ta đều có chung những nhu cầu và ao ước cơ bản, nhưng những thay đổi nhanh chóng trên thế giới trong hơn 80 năm qua đã tạo ra những khác biệt chưa từng có giữa các thế hệ. Trong phần còn lại của bài viết này, tôi sẽ trình bày một vài khác biệt và tương đồng cơ bản và những việc làm tốt nhất để làm mục vụ cho và với thế hệ Y và thế hệ Z.

Trước hết, điều quan trọng là phải nhận ra rằng, những tương đồng giữa các thế hệ có giá trị hơn nhiều so với những khác biệt. Chúng ta đều là con người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, và “trái tim chúng ta sẽ luôn thổn thức cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”[2] Như Công đồng Vatican II dạy, “ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tớì kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thực thế, con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương nên tạo dựng nên con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Ðấng tạo dựng mình.”[3]

Do đó, đang khi làm việc với các thế hệ khác nhau, ta cần đặc biệt lưu tâm đến nơi mà ta muốn cùng với họ hướng đến: hiệp thông với Thiên Chúa. Điều này sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Sự hiệp thông với Chúa có thể đạt được với các bạn thuộc thế hệ Y và thế hệ Z trong cùng một cách thức trường tồn mà Giáo hội đã lãnh nhận ngay từ ban đầu: thông qua giáo huấn của Giáo hội, đời sống bác ái, các bí tích và cầu nguyện.[4]

Bên cạnh cùng đích vĩnh cửu, thế hệ Y và thế hệ Z cũng có những bận tâm và ước ao giống với các thế hệ khác. Trong một khảo sát gồm các bạn thế hệ Z trong độ tuổi 13-17, 54% cho biết rằng, “Trường học và các bài kiểm tra” là mối lo âu hàng đầu của các em, theo sau đó là “Người khác nghĩ gì về tôi” chiếm 30%. Khi được hỏi về những ước ao của mình, 82% số các em được khảo sát cho biết đó là “Làm cho gia đình tự hào về tôi”, và 64% nói đó là “Thành đạt”.[5] Đây cũng là những căng thẳng và ước mong của hầu hết mọi thế hệ người Mỹ hiện đại. Do đó, thật quan trọng khi nhớ rằng, làm mục vụ cho thế hệ Y và thế hệ Z là chúng ta đang làm mục vụ cho con người, và nhờ Chúa, chúng ta đã có được hằng hà sa số các thánh nhân, là những người đã đi trước chúng ta và chúng ta có thể xin các ngài nâng đỡ.

Khi lưu tâm đến nền tảng căn bản của sự tương đồng trong nhân loại, chúng ta cũng có thể nói về những tương đồng độc nhất giữa thế hệ Y và thế hệ Z. Dưới đây là danh sách các điểm tương đồng mà tôi đã đúc rút được từ nghiên cứu và kinh nghiệm của mình trong tác vụ coi xứ và tuyên úy cho sinh viên.

  • Tương đồng #1: Cả hai đều tìm kiếm sự minh bạch

  • Tương đồng #2: Cả hai đều là người bản địa kỹ thuật số[6]

  • Tương đồng #3: Cả hai đều tìm kiếm căn tính nơi mình

  • Tương đồng #4: Cả hai đều tìm kiếm cảm giác thuộc về[7]

  • Tương đồng #5: Cả hai đều mang tính đa sắc tộc[8]


Còn đây là những khác biệt giữa hai thế hệ này mà ta cần lưu tâm trong khi mục vụ cho các em:

  • Khác biệt #1: Thế hệ Z cần nhiều bảo đảm hơn thế hệ Y

  • Khác biệt #2: Thế hệ Z nhạy cảm hơn thế hệ Y về sự đa dạng và bao hàm[9] [10]

  • Khác biệt #3: Thế hệ Z đa phần thuộc thế hệ hậu Kitô giáo,[11] nhiều hơn thế hệ Y

  • Khác biệt #4: Thế hệ Z thường không bao giờ nhận ra trước mắt mình một cuộc hôn nhân lành mạnh[12]

  • Khác biệt #5: Thế hệ Z muốn thấy một đức tin có hành động


Với những tương đồng và khác biệt vừa nêu trên, dưới đây là một số việc hữu ích cần làm để mang lại hiệu quả tốt nhất:



1. Khi thi hành tác vụ, cần tạo ra các cơ hội để đối thoại

Vì thế hệ Z sinh trưởng trong một thế giới tương tác hai chiều trên các phương tiện truyền thông xã hội (Tương đồng #2), nên các em rất mong có được các cuộc đối thoại. Cùng với việc giảm các khoảng chú ý[13] và các cơ hội vô tận giúp có được những trải nghiệm thú vị và say mê khi lướt web, tính tương tác chính là điểm trọng yếu. Sự tương tác cũng tạo cơ hội để sự chính xác được thể hiện. Hiểu theo cách nôm na thì sự tương tác cho thấy được điều giúp hình thành nên một con người, và thế hệ Z ao ước có được một cánh cửa giúp mở ra cho điều gì thực sự tồn tại nơi lớp lãnh đạo của các em (Tương đồng #1). Các nhóm nhỏ và sự hiện hữu của các phương tiện xã hội có tính tương tác là những cách thức tuyệt vời để duy trì các cuộc đối thoại như là một phần quan trọng trong tác vụ này. Ước muốn này đòi hỏi nhiều lãnh đạo và nhiều người có khả năng duy trì bầu khí đối thoại, mà bầu khí này sẽ trực tiếp dẫn đến việc làm số 2.


2. Đào tạo các em thuộc thế hệ này để các em đảm đương các vị trí lãnh đạo

Các tổ chức như FOCUS, St. Paul’s Outreach, và NET đã mô tả cách chính xác về thế hệ Z. Lúc này, ta phải tiến hành một cuộc cách mạng Copernic,[14] nghĩa là thay vì làm mục vụ cho thế hệ Z, ta sẽ làm mục vụ với thế hệ Z. Việc tạo cơ hội cho các em đồng trang lứa giữ các vị trí lãnh đạo sẽ giúp khắc phục được nhiều thách thức độc nhất nơi thế hệ này. Thế hệ Z, một cách rất tự nhiên, đều đáng tin (Tương đồng #1), và các em là người bản địa kỹ thuật số (Tương đồng #2). Tương tự vậy, việc đặt một bạn thuộc thế hệ Z làm lãnh đạo còn làm cho các bạn khác thuộc thế hệ Z có được cảm giác thuộc về (Tương đồng #4#5). Các em sẽ tự nhiên lên tiếng theo cách rất tinh nhạy với sự đa dạng và bao hàm (Khác biệt #2), và các em sẽ thúc đẩy mọi người thể hiện đức tin của mình trong những hành động cụ thể bởi đó chính là điều mà các em ước mong (Khác biệt #5). Điểm cốt lõi nơi việc làm này chính là bạn tạo ra một lớp lãnh đạo gồm các em đồng trang lứa. Các em vẫn trẻ, vì vậy dù các em rất tài giỏi, nhưng các em vẫn cần được hướng dẫn. Cũng vậy, các em thế hệ Z cũng tìm kiếm sự bảo đảm, do đó các em muốn bản thân được trang bị đầy đủ và nhận được sự ủng hộ từ lớp lãnh đạo của các em (Khác biệt #1). Khi làm những việc đó, bạn cũng giúp Giáo hội đạt được thành công trong việc chăm lo cho các thế hệ, bởi chính lớp lãnh đạo trong tương lai này sẽ là những người trẻ đã được đào tạo cách hiệu quả và tràn đầy lửa nóng đức tin.


3. Trả lời các câu hỏi mà các em đặt ra

Từ khi còn là trẻ vị thành niên, các em thế hệ Z đã có thể đặt ra những câu hỏi cần được trả lời ngay lập tức và ở bất cứ đâu, chỉ với một cú bấm nút. Nếu các em đang học, các em cũng có thể trả lời câu hỏi mà các em đang giải quyết cũng bằng một cú bấm nút. Do đó, khi không ngừng tìm kiếm thông qua lớp lãnh đạo đồng trang lứa những câu hỏi được đặt ra bởi các em khác, chúng ta sẽ dễ tìm được câu trả lời tương thích. Vì thế hệ Z gồm những người thuộc thời kỳ hậu Kitô giáo, nên các em có thể sẽ không hỏi những vấn đề mà bạn đã hỏi khi bạn còn ở độ tuổi của các em, nhưng những vấn đề các em đặt ra thực sự là điều mà các em đang phải đối mặt, và chúng ta có trách nhiệm phải trả lời các em (Khác biệt #3).


4. Giảng dạy về căn tính

Chính Thiên Chúa mới là Đấng có thể xác định chúng ta là ai. Căn tính Kitô giáo được tạo lập bởi tương quan giữa ta với Đấng Tạo hóa và Cứu chuộc. Thế hệ Z ao ước lắng nghe và có thể đoan chắc về chân lý này. Dù các em yêu mến gia đình mình, nhưng gia đình lại đôi khi không thể cung cấp cho các em một nền tảng vững chắc để xác định căn tính của các em (Tương đồng #3 và Khác biệt #4). Khi có thể đoan chắc về căn tính của mình trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, các em thế hệ Z sẽ sống đức tin cách sống động và trở nên những đồng sự tuyệt vời nhất trong vườn nho.


5. Đừng làm ngơ các mối dây liên thế hệ

Thế hệ Z biết rõ rằng có các thế hệ khác nhau và khi lớn lên cùng với tính nhạy cảm với sự đa dạng, các em mong được gặp gỡ các thế hệ (Khác biệt #2). Các em không chỉ muốn gặp gỡ họ, mà còn muốn có được những tương quan thực sự với họ. Thông thường, đối với thế hệ Z, sự tư vấn tự nhiên trong gia đình đã bị phá vỡ, do đó các bạn đánh giá cao sự tư vấn nào có thể giúp các em có được sự hiểu biết sâu sắc cùng các hướng dẫn (Khác biệt #4). Cách riêng điều này rất đúng trong trường hợp các em cần được tư vấn về đời sống hôn nhân lành mạnh và thánh thiện. Các em thế hệ Z thường sẽ nghe các giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II về thần học thân xác và sẽ thốt lên “Điều đó thật tuyệt, và tôi muốn như thế!” Nhưng các em cũng cảm thấy sợ hãi trước những gì được trình bày về thân xác, bởi các em chưa từng thấy một ai sống theo những giáo huấn đó (Khác biệt #4). Người tư vấn nào có thể chia sẻ sự hiểu biết của mình và tạo cơ hội để thế hệ Z quan sát đời sống và gia đình của họ thì sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn cho thế hệ này.


6. Hãy năng động

Thế hệ Z nhìn nhận sự dấn thân vừa mang tính bác ái vừa mang tính xã hội của một cộng đồng chính là dấu hiệu cho sự minh bạch của cộng đồng đó (Tương đồng #1 và Khác biệt #5). Tổ chức các dự án phục vụ chính là một cách thức tuyệt vời giúp mời gọi các bạn thế hệ Z mới tạo lập tương quan với tác vụ này và cho các thành viên mới cũng như cũ thấy rằng, bạn đang thi hành điều bạn giảng dạy.


7. Hãy tôn trọng các em, nhưng cũng hãy dạy chân lý

Một cách dễ khiến đánh mất nhiều bạn thế hệ Z chính là nói năng cách khó chịu về sự đa dạng hay về sự bao hàm. Tuy nhiên, các em đến với Giáo hội Công giáo và mong muốn chúng ta giảng dạy cách minh bạch những gì mà Giáo hội Công giáo giảng dạy (Tương đồng #1). Điều này đòi hỏi ta phải bước đi trên nẻo đường của chân lý trong bác ái. Việc phát ngôn theo kiểu kết án không thể được chấp nhận, nhưng việc thừa nhận giáo huấn của Giáo hội về điều nào là đúng điều nào là sai về mặt luân lý cũng không mang các em đến gần Chúa hơn, mà còn thể hiện được sự thiếu minh bạch. Nhờ ơn Chúa, giáo huấn của Giáo hội chính là chân lý trong bác ái, do đó công việc của chúng ta là đảm bảo làm sao mọi người thuộc lớp lãnh đạo đều hiểu cách tường tận và đầy đủ giáo huấn của Giáo hội liên quan đến những chủ đề này và được trang bị để chuyển trao các giáo huấn ấy.


Các câu hỏi để suy ngẫm:

1. Có bất kỳ điểm tương đồng, khác biệt hay việc làm tốt nhất nào đã tác động đến bạn khi bạn đọc bài viết này không?

2. Bạn có trải nghiệm nào, hay có câu chuyện nào mà từ đó bạn đã học biết được một trong những tương đồng, khác biệt hoặc việc làm tốt nhất đã nêu bên trên? Hãy chia sẻ câu chuyện đó với nhóm của bạn.

3. Đâu là những bước tiếp theo bạn cần làm để ứng dụng những việc làm tốt nhất được đề nghị trong bài viết này vào việc phục vụ mà bạn đang đảm trách?


---


[1] Thế hệ thiên niên kỷ (Millennials) hay thế hệ Y (Gen Y) là nhóm nhân khẩu gồm những người được sinh ra từ năm 1980 đến khoảng năm 1996, là thế hệ đầu tiên khi vào trung học đã có thể sử dụng internet cho việc học hành. Thế hệ Z (Gen Z) gồm những người được sinh ra từ 1996 đến 2010, là thế hệ đầu tiên được tiếp cận với internet ngay từ khi còn nhỏ. (Những chú thích của người dịch sẽ được đánh ký hiệu “ND”) [2] Thánh Augustine, Tự thuật, Quyển 1. [3] Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 19. [4] cf. Cv 2,42. [5] https://reignministries.co.uk/gen-z-what-every-church-needs-to-think-about/. Truy cập ngày 8/6/2020. [6] Người bản địa kỹ thuật số (Digital Natives) là thuật ngữ được dùng để mô tả những người được sinh trưởng trong thời đại kỹ thuật số, đó là các nhóm nhân khẩu thế hệ Y, thế hệ Z, thế hệ Alpha. Thuật ngữ này cho thấy, kỹ thuật số đã, đang và sẽ tác động thế nào đến các nhóm nhân khẩu vừa nêu. (ND) [7] http://www.siebertfoundation.org/EngagingMillennialsinMinistryResearchReport2. Truy cập ngày 08/6/2020. [8] https://www.pewsocialtrends.org/essay/on-the-cusp-of-adulthood-and-facing-an-uncertain-future-what-we-know-about-gen-z-so-far/. Truy cập ngày 08/6/2020. [9] Tính bao hàm, sự bao hàm (Inclusion, Inclusiveness) diễn tả việc một cộng đồng gồm nhiều loại người khác nhau (có thể khác biệt giới tính, độ tuổi, trình độ văn hóa, xuất thân, v.v.) và mọi người đều được đối xử công bằng. (ND) [10] https://www.businessinsider.com/generation-z#featured. Truy cập ngày 08/6/2020. [11] Hậu Kitô giáo là thuật ngữ được dùng để mô tả thời kỳ Kitô giáo không còn ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội dân sự nữa, đặc biệt nơi các quốc gia từng nhìn nhận Kitô giáo là quốc giáo. (ND) [12] https://reignministries.co.uk/gen-z-what-every-church-needs-to-think-about/. Truy cập ngày 08/6/2020. [13] Khoảng chú ý (Attention span) là khoảng thời gian một người tập trung vào một công việc mà không bị phân tâm. Thế hệ Z đòi hỏi sự nhanh gọn và đa nhiệm (hyper-task) – được thể hiện qua việc chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, các em đã có thể xử lý cùng một lúc nhiều công việc. Do đó, khoảng chú ý vào một công việc nơi thế hệ Z bị suy giảm. (ND) [14] Cách mạng Copernic đánh dấu sự chuyển đổi việc nhìn nhận Trái đất là tâm vũ trụ sang nhìn nhận Mặt trời là tâm của Hệ mặt trời. Theo nghĩa bóng, thuật ngữ này ám chỉ việc cách tân những tư duy đã lỗi thời. (ND)

102 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page