top of page

Quản Lý Xung Đột Nhóm

Tác giả: Ann Garrdio

Người dịch: Quân Phạm

Nguồn bài viết: Team Conflict Management


Bí quyết từ các thánh

Có bao giờ nhóm giáo lý của bạn gặp căng thẳng không? Đừng lo lắng. Căng thẳng vốn là một phần trong đời sống Giáo hội kể từ khi Đức Giêsu xuống thế, và điều này không có nghĩa là bạn đang làm điều gì sai. Tất cả các nghiên cứu về đời sống đạo lành mạnh đều chỉ ra rằng các cộng đoàn nào báo cáo không có xung đột thì nhiều khả năng lại uể oải hơn là có sức sống. Mọi người chỉ tranh luận về những gì họ quan tâm. Nếu không có ai tranh cãi về bất cứ điều gì, đó thường là dấu hiệu cho thấy họ đã thua cuộc. Hãy đọc ra nơi sự căng thẳng một dấu chỉ mà nhóm của bạn quan tâm!

Đồng thời, thế giới này hầu như không cần thêm dẫn chứng về các nhóm đang gặp xung đột. Điều còn thiếu chính là chứng tá của các cộng đoàn đang quản lý tốt những căng thẳng tự nhiên tồn tại giữa những người tận tâm. Chúng ta cần mẫu gương về các nhóm không để xung đột làm chia rẽ giáo xứ hoặc trường học của họ, trái lại, họ làm sâu sắc thêm các mối quan hệ và củng cố các tác vụ của họ.

Dưới đây là ba bí quyết “thánh” giúp nhóm của bạn quản lý cách lành mạnh các xung đột:



Lời kinh hòa bình, thường được cho là do thánh Phanxicô Assisi soạn, lại không bắt nguồn từ ngài, nhưng chắc chắn lời kinh ấy đã trình bày được đầy đủ tinh thần của ngài. Thánh Phanxicô được biết đến là người đã khiêm tốn tìm đến với người khác để cố gắng hiểu quan điểm của họ. Một lần nọ, ngài đã đi đến tận Bắc Phi để nói chuyện với một vị quốc vương Hồi giáo trong khi vương quốc của vị này đang bị quân Thập Tự Chinh tấn công. Thánh nhân quả thật rấn gan dạ! Sự hiện diện của ngài rất có thể bị hiểu lầm và dễ khiến ngài phải mất mạng. Nhưng thánh Phanxicô tin vào sức mạnh của sự đối thoại trong việc hàn gắn những rạn nứt.

Trong một cuộc nói chuyện quyết liệt, chúng ta đều muốn mọi thứ ta nói ra đều được thấu hiểu. Ví như khi nảy ra một câu chuyện trong đầu về tình huống lúc bấy giờ, ta liền muốn người khác lắng nghe và muốn chinh phục họ. Chúng ta sử dụng các cụm từ như “Bạn chỉ cần hiểu” hoặc “Tôi cần bạn nhận ra…” thường xuyên tới mức nào. Tuy nhiên, chúng ta không kiểm soát việc liệu người khác có hiểu hay nhận thấy gì không. Người duy nhất chúng ta có khả năng khiến họ “lắng nghe” mình lại là chính chúng ta.

Việc quản lý xung đột hiệu quả khởi đi từ việc đưa chúng ta vào không gian của sự tò mò về câu chuyện của đối phương. Tại sao họ lại nói rằng họ đang làm việc họ đang làm? Chúng ta không cần phải đồng ý rằng quan điểm của họ có ý nghĩa, nhưng chúng ta có thể cố gắng hiểu tại sao điều đó lại có ý nghĩa với họ. Họ có thông tin nào khác với cái ta có không? Họ có đang giải thích thông tin ấy theo cách khác không? Rất có thể họ sẽ sẵn sàng lắng nghe quan điểm của ta hơn nếu trước hết họ cảm thấy quan điểm của họ đang được lắng nghe và thấu hiểu.




Thánh Gioan Lasan là một nhà giáo dục xuất sắc. Ngài và anh em của ngài chắc chắn đã rất quan tâm chăm lo cho trí tuệ của các học trò. Nhưng điều quan trọng là, ngài cũng khuyến khích các anh em đừng ngại “chạm vào trái tim”. Ngài nhắc nhở họ, là con người, chúng ta không phải là những tâm trí rời rạc. Chúng ta cũng có cảm xúc.

Giáo lý viên chúng ta biết rõ sức mạnh của cảm xúc. Giống như thánh Gioan Lasan, chúng ta nỗ lực xây dựng các giáo án có thể chạm đến cả trí óc và trái tim, vì ta nhận ra rằng việc học đạt hiệu quả nhất khi nó chạm được đến cảm xúc. Tuy nhiên, kỳ lạ thay, khi gặp một tình huống khó khăn với nhóm giáo lý của mình, chúng ta lại đột nhiên muốn thoát khỏi nó. Ta sẽ nói những điều như “Hãy chỉ tập trung vào các sự kiện ở đây” hoặc “Không cần phải bức xúc vì chuyện này.” Chúng ta quên rằng cảm xúc thực sự có ý nghĩa của nó. Quả thực, nếu chúng ta không có chút cảm xúc nào về những gì đang diễn ra, thì cuộc trò chuyện từ ban đầu đã chẳng đạt được gì.

Việc quản lý xung đột hiệu quả sẽ giúp cho cuộc trò chuyện thành nơi để các cảm xúc được biểu lộ. Các cảm xúc không cần giữ vai trò chính trong việc ta đưa ra các quyết định, nhưng chúng vẫn có thể được tôn trọng như lúc này. Khi ta gọi được tên xúc cảm của mình và mời người khác cũng gọi tên cảm xúc của họ, ta sẽ làm hạ nhiệt cuộc trò chuyện và dễ dàng lắng nghe hơn.




Thánh Augustinô thành Hippo từng có ước mong sẽ được biết đến vì đã cầu nguyện liên lỉ với lời này: Noverim me; noverim te (Xin cho con biết con; xin cho con biết Chúa). Dĩ nhiên, thánh Augustinô đang nói với Chúa, nhưng hãy tưởng tượng thế giới này sẽ khác dường nào nếu lời cầu nguyện nhỏ bé này ở trong tâm trí và trái tim chúng ta trong mỗi cuộc trò chuyện khó khăn. Mỗi người chúng ta đều có cách nào đó mà ta muốn thể hiện nơi thế giới này, như lòng thương xót, sự giỏi giang, sự linh hoạt. Phần lớn sự căng thẳng ta gặp trong các nhóm đều bắt nguồn từ việc nhận ra người khác không nhìn chúng ta theo cách mà ta cho là hợp lý. Điều đó thật khó chấp nhận! Nhưng ta càng thành thật hiểu ra mình là người giàu lòng trắc ẩn (chẳng hạn vậy) nhưng chưa hoàn hảo bao nhiêu, ta càng biết đến các giá trị mà người khác đang nỗ lực thể hiện, ngay cả khi ta muốn họ đừng quá nhạy cảm về các giá trị ấy bao nhiêu, thì trong những cuộc trò chuyện gay go, ta càng dễ giữ được quân bình và sẽ đối xử tử tế hơn với người khác bấy nhiêu. Việc khiêm tốn nhìn nhận bản thân mang lại cho chúng ta nền tảng để giải quyết những căng thẳng một cách nhã nhặn hơn. Chúng ta nhận ra rằng một căng thẳng cụ thể thì không nói được gì về toàn bộ con người chúng ta hay con người người khác, và có một số điều an ủi trong đó.

Nguyện xin các thánh luôn ở bên bạn khi bạn vẫn tò mò, chú tâm đến các cảm xúc, cũng như khi bạn sống trung thực cách khiêm tốn khi làm việc với người khác.

79 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page