top of page

Năm Thói Quen Dạy Học Truyền Thống Cần Tránh

Tác giả: John Barone

Người dịch: Bắp Chan


Các kỹ thuật dạy học của giáo viên mới thường dựa trên cách họ được dạy. Không may là một vài thói quen xấu vẫn tiếp tục được truyền dạy từ năm này qua năm nọ. Hãy loại bỏ 5 thói quen giảng dạy dưới đây và hãy xem sự giao tiếp trong lớp của bạn phát triển vượt bậc thế nào!

1. Suỵt!

Tại sao chúng ta vẫn luôn suỵt học sinh để giữ trật tự? Vì chúng ta đã học điều đó từ các thầy cô trước chúng ta. Hầu hết các nhà giáo dục đều đồng ý rằng việc suỵt như thế không phải là cách hiệu quả để thu hút sự chú ý, phần nhiều là vì như thế càng làm lớp học ồn thêm. Một tiếng suỵt từ giáo viên, và rồi các học viên có ý thức cũng theo đó mà suỵt, góp phần tăng thêm tiếng ồn ào, đến mức tiếng ồn duy nhất trong lớp học lúc đó là tiếng suỵt.

Thử cách này xem : Hãy sử dụng các dấu hiệu có thể thấy được, các dấu hiệu bằng lời và bằng hành động để gây sự chú ý, chẳng hạn như giơ tay hình chữ V, nháy đèn, hoặc dùng đến các băng reo “gọi-đáp” vui nhộn như:

Giáo viên: “Hear ye; hear ye!”

Học sinh đáp lại: “All eyes on the queen [or king]!”

Khi sử dụng dấu hiệu để thu hút sự chú ý, hãy chờ đến khi toàn bộ lớp tập trung trước khi tiếp tục giờ học, hoặc trước khi dùng đến cách khác như tiếp cận học sinh, thuật lại sự chú ý (“Gần 90% người ở đây chú ý rồi đó”), khen ngợi những học sinh giữ trật tự, hoặc có thể nói câu yêu thích này của tôi, “Khi cả lớp im lặng, tôi sẽ biết rằng các em đã sẵn sàng”.


2. Nói quá nhiều

Trong hầu hết các lớp học, giáo viên nói nhiều hơn các học viên và thường là nói những điều không cần thiết. Việc giáo viên nói quá nhiều như thế sẽ khiến học sinh khó hiểu, khó nhớ các chỉ dẫn và gây mất tập trung.

Thử cách này xem : Hãy đưa ra các chỉ dẫn bằng việc dùng ít từ nhất có thể. Hãy dạy bằng cách hỏi nhiều hơn là kể. Hãy để các học sinh giỏi đổi vai với bạn để các em hướng dẫn một phần bài học. Hãy đặt ra các quy tắc có thể được nhắc đến mà không cần dùng lời. Chẳng hạn như thay vì nói “Các em có thể cất sách vở, dọn sạch chỗ ngồi và đi ăn trưa,” thì hãy quy ước với học sinh rằng chúng có thể làm như thế khi bạn vỗ tay hai cái.


3. Trả lời các câu hỏi mà học sinh có thể trả lời

Hằng ngày giáo viên nhận được hàng trăm câu hỏi từ học sinh, và trước giờ, thông thường thì học sinh hỏi và giáo viên trả lời. Việc giải đáp thắc mắc rõ ràng là trách nhiệm quan trọng của giáo viên, nhưng có nhiều người tự mình trả lời những câu hỏi ấy quá nhanh, khiến học sinh mất cơ hội được trả lời và do đó tăng thời lượng giáo viên nói trong lớp học.

Thử cách này xem : Khi học sinh đặt một câu hỏi, hãy tưởng tượng đó là trái banh tennis, và bạn hãy đánh trái banh đó trở lại cho học sinh:

Học sinh: Vì sao chúng ta phải rửa tay trước khi ăn trưa?

Giáo viên: Vì sao em nghĩ rằng việc đó quan trọng?

Hoặc có một cách tiếp cận khác là mời một học sinh khác trả lời câu hỏi đó:

Học sinh: Vì sao chúng ra phải rửa tay trước khi ăn trưa?

Giáo viên: Bạn nào có thể giải thích vì sao việc rửa tay trước khi ăn lại quan trọng không nào?

Hoặc chuyển thắc mắc đó thành bài tập:

Học sinh: Vì sao chúng ra phải rửa tay trước khi ăn trưa?

Giáo viên: Một câu hỏi hay! Bài tập cho tối nay là viết từ một đến ba đoạn về việc tại sao chúng ta phải rửa tay nhé.

Hãy để học sinh tự trả lời các câu hỏi được đặt ra cho giáo viên để giảm thời lượng giáo viên nói, đồng thời giúp học sinh có cơ hội suy nghĩ phản biện và sáng tạo, và chia sẻ kiến thức của các em với lớp.



4. Hướng dẫn quá nhiều bước

Hầu hết chúng ta từng có kinh nghiệm ngồi trong một lớp học, nơi giáo viên sẽ nói, “Lấy sách, mở đến trang…” Ngay sau đó chúng ta nghe điệp khúc “Trang mấy? Trang nào vậy?” Và đây mới chỉ là việc nhớ hai bước cần làm mà thôi! Học sinh thường gặp khó khăn trong việc ghi nhớ một hướng dẫn có quá nhiều bước do khả năng ghi nhớ, chú ý và các vấn đề khác.

Thử cách này xem : Khi đưa ra các hướng dẫn gồm nhiều bước, hãy kiểm tra xem tất cả học sinh đã biết các em phải làm gì chưa trước khi tiếp tục. Hãy cố gắng hướng dẫn trong ít bước thôi, hoặc hướng dẫn từng bước một, và chỉ tiếp tục sang bước hai khi bước thứ nhất đã hoàn thành. Hãy viết hướng dẫn lên bảng để giúp các học sinh gặp khó khăn trong việc ghi nhớ có chỗ để đối chiếu.


5. Lặp lại câu trả lời của học sinh

Một thói quen giảng dạy phổ biến gây lãng phí nhiều thời gian là việc giáo viên lặp lại câu trả lời của học sinh:

Giáo viên: “Vì sao Thánh Gia biết chuyện để chạy trốn sang Ai Cập?”

Học sinh: “Vì thiên thần đã báo mộng cho thánh Giuse.”

Giáo viên: “Thiên thần đã báo mộng cho thánh Giuse, chính xác!”

Khi bạn tổng hợp hết mọi lần nhắc lại vô ích như thế, bạn sẽ đánh mất rất nhiều thời gian học quý báu. Ngoài ra, việc bạn lặp lại có thể “hớt tay trên” học sinh trả lời đúng.

Thử cách này xem : Khi học sinh đưa ra câu trả lời chính xác, hãy xác nhận lại với chỉ một hay hai từ đơn giản thay vì lặp lại câu trả lời:

Giáo viên: “Vì sao gia đình Thánh gia biết để chạy trốn sang Ai Cập?”

Học sinh: “Vì thiên thần đã báo mộng cho thánh Giuse.”

Giáo viên: “Đúng rồi!”

Nhiều giáo viên cho rằng họ cần lặp lại câu trả lời để đảm bảo các học sinh khác cũng nghe thấy. Nhưng tốt hơn là nên dành thời gian tập cho học sinh cách phát biểu dõng dạc, to rõ, và sử dụng các kỹ thuật như bước ra phía sau lưng học sinh đang trả lời để khiến bạn ấy nói to hơn.

Chúng ta càng áp dụng nhiều kỹ thuật dạy học truyền thống thì ta càng khó bỏ những thói quen xấu ấy. Bước đầu tiên là nhận thức rõ hơn về việc bạn đang vướng phải những thói quen đó, rồi từ từ thay thế bằng những phương pháp hiệu quả hơn. Động lực sử dụng các phương pháp ấy sẽ tăng thêm khi bạn bắt đầu trải nghiệm được nhiều thành công hơn trong lớp học của mình!

66 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page