top of page

[Catholic Book Review] Những Lá Thư Tình Yêu Của Antonietta Meo

Đã cập nhật: 21 thg 1, 2022

Maria Hương Quỳnh


“Nỗi đau như vải,

Càng bền càng quý.”[1]

Câu trích ở bìa sau của sách“Thư Ấu nhi gửi Chúa” đã thu hút mình và để lại trong mình nhiều suy nghĩ ngay từ lần đầu mình nhận quyển sách từ một người bạn. Mình vẫn chưa chắc chắn mình đã hiểu được hoàn toàn ý của em Antonietta Meo trong câu nói này hay chưa, nhưng có vẻ như đã có một nút thắt nào đó trong tâm hồn mình được mở ra khi mình đọc thấy câu trích ấy. Phải chăng mỗi người đều có nỗi đau, thánh giá của riêng mình và chúng ta, với lòng cậy trông và phó thác, được mời gọi để đón nhận những khó khăn thử thách đó như những hy sinh dâng lên cho Chúa – “càng bền càng quý”?


THƯ ẤU NHI GỬI CHÚA

Cuộc đời và những lá thư của Antonietta Meo, Ấu nhi Đáng kính

Với lời văn đơn giản, nhẹ nhàng và đầy chân thành, những lá thư trong tập sách nhỏ này chất chứa những lời cầu nguyện mà Antonietta, một bé gái chỉ tầm 6-7 tuổi đang chống chọi căn bệnh ung thư xương, ngày ngày dâng lên Chúa, kèm với đó là những lời yêu thương cùng những quyết tâm sống thánh thiện của em.

Cô bé Antonietta Meo[2] sinh ngày 15 tháng 9 năm 1930 và qua đời ngày 03 tháng 7 năm 1937, khi chỉ mới 7 tuổi, tại thành phố Rôma nước Ý. Ngày 17/12/2007, Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã nâng Antonietta Meo lên bậc Đáng Kính và bắt đầu tiến trình tuyên thánh cho em. Trong buổi tiếp kiến ngày 20/12/2007 dành cho các em trái em gái thuộc tổ chức Catholic Action[3], Đức Bênêđíctô XVI đã nói rằng:

“Với một cuộc đời ngắn ngủi, chỉ 6 năm rưỡi, Nennolina, một bé gái dân thành Rôma, đã thể hiện tuyệt vời đức tin, đức ái và đức cậy, cùng các nhân đức Kitô giáo khác. Dù em là một cô bé nhỏ dễ tổn thương, nhưng em đã cố gắng sống một đời chứng tá Tin Mừng mạnh mẽ và hùng hồn. […] Các con có thể xem em là một người bạn của mình, một mẫu gương truyền cảm hứng cho các con. Cuộc đời của em, rất giản đơn và đồng thời cũng quan trọng, đã cho thấy, sự thánh thiện là dành cho mọi lứa tuổi. […] Chỉ trong một vài năm, Nennolina đã đạt đến được đỉnh cao sự hoàn thiện Kitô giáo. […] Các con biết rằng, giờ đây Antonia đang sống trong Chúa và từ trên Thiên đàng, đang ở gần chúng con”

Những dòng thư ấy đôi lúc khiến mình đồng cảm, đôi lúc lại thúc giục tình yêu và ngọn lửa mến nơi mình. Đọc những tâm tình của Antonietta, có lẽ độc giả không chỉ dừng lại ở sự ngưỡng mộ hay thương cảm cho em, nhưng còn nỗ lực học hỏi nơi gương nhân đức và lòng mến Chúa của em một lòng tin tưởng phó thác nơi Thánh Ý Chúa.

Mình đặc biệt ấn tượng với những lời đơn sơ mà em đã ghi lại, như trong lá thư thứ 9, em viết: “Xin giúp con, xin cho con ơn này, đó là ban lại cho con chiếc chân nhỏ, nếu Chúa muốn. Nếu Chúa không muốn, con xin vâng theo ý Chúa”; hoặc ở thư thứ 17: “Ôi Chúa Giêsu Hài Đồng, xin tha thứ cho con nếu con có những lời cầu nguyện không tốt. Chúa thật tuyệt vời”. Tuy còn rất nhỏ nhưng em đã có những lời cầu nguyện thật đẹp biết bao. Đến thư thứ 70, Antonietta đã viết rằng: “Chúa Cha kính yêu… Cha! Cha! Con sẽ mãi mãi gọi tên tuyệt đẹp này”. Em luôn dùng những cách gọi thân thương và kính trọng nhất với Chúa Ba Ngôi và Mẹ Maria, và không ngần ngại thổ lộ tất cả tình yêu của mình.

Mình nghĩ đây là một tác phẩm gần gũi để các giáo lý viên trẻ tìm hiểu và chia sẻ cho các em độ tuổi ấu nhi. Các bạn giáo lý viên có thể xây dựng một chương trình tập cho các em ấu nhi viết nhật kí thiêng liêng. Nhật ký này chỉ đơn giản gồm những lời cầu nguyện mỗi ngày, hay những chuyện đáng nhớ trong tuần. Khi thực hiện nhật ký thiêng liêng này, các em nhỏ được tập thói quen cầu nguyện cùng Chúa trong mỗi ngày sống.

Có một điểm mình muốn chia sẻ thêm: vì tập thư là những lời nguyện Antonietta đều đặn viết hằng ngày, đôi lúc sẽ có lặp lại những cách cầu nguyện như thể khuôn mẫu. Nếu chỉ đọc như đọc một quyển truyện hay một quyển sách tham khảo, độc giả có lẽ sẽ có cảm giác nội dung bị lặp và khá nhàm chán. Như lời ngỏ đầu sách cũng đề xuất, ta nên đọc cách chậm rãi để suy ngẫm và cùng cầu nguyện với Antonietta, mình nghĩ rằng sẽ rất tuyệt nếu mỗi tuần gặp gỡ, trong giờ thánh hoá buổi học giáo lý, chúng ta chia sẻ và cầu nguyện chung bằng một lá thư nào đó của em Antonietta. Hoặc mỗi ngày, bản thân người đọc cũng có thể đọc từng lá thư của em Antonietta như thể đang cùng em dâng lên Chúa một ngày sống của mình vậy.




Thông tin đặt sách, mời các bạn xem tại website Giáo phận Xuân Lộc.

[1] Có lần, bố em hỏi em: “Con có thấy đau lắm không?” Antonietta trả lời: “Bố ơi, nỗi đau như vải, càng bền càng quý”. [2] Xt. Tiểu sử của Antonietta Meo tại https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2007/december/documents/hf_ben-xvi_spe_20071220_acr.html [3] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2007/december/documents/hf_ben-xvi_spe_20071220_acr.html

71 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page